Friday, March 13, 2009

Tôi có được chính phủ giúp để không bị xiết nhà?

Hình bên: Một công nhân đang nghỉ ăn trưa trong lúc dọn dẹp một căn nhà bị ngân hàng tịch thu tại San Jose, California cuối Tháng Hai. Tình trạng nhà bị xiết đang lan rộng trên toàn quốc. Theo nghiên cứu của Mortgage Bankers Association được phổ biến ngày Thứ Năm, gần 12 phần trăm chủ nhà đang bị trễ tiền nhà ít nhất một tháng tính cho đến cuối năm 2008. Tỉ lệ ngày tương đương với con số kỷ lục 5.4 triệu gia chủ. (Hình: Paul Sakuma/AP)


Giải đáp những thắc mắc trong kế hoạch của Obama nhằm cứu 9 triệu chủ nhà


Trong mấy tháng qua, nhiều chủ nhà phải phấn đấu để không bị mất nhà trong cơn bão suy thoái địa ốc. Một số người phải chịu những điều kiện khó khăn trong hồ sơ vay nợ. Vì nhà bị sụt giá, nhiều người khác bị giảm trị giá thế chấp dựa trên căn nhà của họ. Một số người không thể làm lại hồ sơ vay nợ vì thời giá của căn nhà đang nằm ở mức thấp hơn so với món nợ của họ. Nhà của nhiều người đã bị ngân hàng tịch thu.

Trước tình trạng bi đát của người dân, Tổng Thống Barack Obama đã đưa ra một kế hoạch mà chính quyền liên bang tin rằng sẽ giúp giảm tiền nợ hàng tháng của 9 triệu người Mỹ đang gặp khó khăn.

Chương trình của Obama có thể giúp một số chủ nhà được vay nợ với lãi suất rất thấp, có thể xuống còn 2 phần trăm. Trong một số trường hợp, chương trình sẽ giúp giảm bớt tiền nợ gốc của người vay nợ.

Kế hoạch mới của ông Obama được thực hiện qua hai chương trình: Home Affordable Refinance và Home Affordable Modification. Tạm dịch hai chương trình này là “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” và “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ.” Sau đây là một số câu hỏi của nhiều người liên quan đến hai chương trình “Tái Tài Trợ” và “Ðiều Chỉnh”


Tôi đang cập nhật tiền nợ mỗi tháng. Vậy chương trình tái tài trợ có giúp gì được cho tôi hay không?

Ðối với các chủ nhà hội đủ điều kiện và đang trả nợ đúng thời hạn, họ đã không được hưởng lợi trong lúc lãi suất đang xuống thấp vì nhà của họ bị giảm giá. Trong chương trình mới vừa được ban hành đầu Tháng Ba, họ có cơ hội được tái tài trợ món nợ với lãi suất cố định trong 30 năm hoặc 15 năm.

Qua chương trình “Tái Tài Trợ,” Fannie Mae và Freddie Mac sẽ cho phép làm lại những hồ sơ vay nợ mà hai cơ sở tài chánh này đang sở hữu hoặc được hậu thuẫn bởi chứng khoán.


Làm sao biết tôi có hội đủ điều kiện?

Quí vị có thể được ngân hàng cho tái tài trợ nếu:

1/ Chủ nhân của một căn nhà đang có từ một đến bốn đơn vị (one to four unit home). Nhà của đa số người dân thuộc dạng một đơn vị. Nhà có hai đơn vị trở lên thuộc loại chung cư duplex hoặc multiplex.

2/ Fannie Mae oặc Freddie Mac đang sở hữu món nợ nhà của quí vị. (Xin đọc câu hỏi kế tiếp để biết nhà của mình có được làm chủ bởi một trong hai cơ sở tài chánh kể trên).

3/ Quí vị đang cập nhật tiền nợ mỗi tháng (current on mortgage). Theo định nghĩa của ngân hàng, cập nhật món nợ có nghĩa là quí vị chưa bị trễ tiền nợ hơn 30 ngày trong vòng 12 tháng vừa qua.

4/ Quí vị tin rằng món nợ thứ nhất (first mortgage) đang tương đương hoặc thấp hơn một chút so với trị giá của căn nhà hiện nay.

5/ Và quí vị có lợi tức ổn định để có thể trả món nợ mới mà ngân hàng sắp tái tài trợ.


Làm sao biết tiền nợ của tôi thuộc sở hữu của Fannie Mae hoặc Freddie Mac, hoặc đã được hai cơ sở này hậu thuẫn bằng chứng khoán?

Quí vị nên gọi công ty đang quản lý món nợ (loan servicer) hoặc ngân hàng (cơ sở mà quí vị gởi tiền nhà hàng tháng) và hỏi về chương trình.

Cả hai Fannie Mae và Freddie Mac đều có số điện thoại miễn phí và trang web để tìm hiểu món nợ của quí vị có thuộc sở hữu của hai cơ sở hay không. Khi gọi số miễn phí hoặc vào trang web, quí vị cần cung cấp vài dữ kiện để có thể biết món nợ được sở hữu hoặc hỗ trợ bằng chứng khoán. Những dữ kiện này không bảo đảm quí vị sẽ được tái tài trợ vì những điều kiện khác cũng cần được cứu xét trong chương trình.

Fannie Mae có số 1-800-7FANNIE (từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối theo giờ miền Ðông Hoa Kỳ) và trang www.resource_center@fanniemae.com.

Freddie Mac có số 1-800-FREDDIE (từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối theo giờ miền Ðông Hoa Kỳ) và trang www.freddiemac.com/avoidforeclosure/


Ai “quản lý món nợ” của tôi? Có phải đó là ngân hàng hoặc cơ sở đầu tư?

Công ty quản lý món nợ (loan servicer) là cơ sở tài chánh thâu tiền nhà hàng tháng của quí vị. Cơ sở này giữ trách nhiệm quản lý và sổ sách liên quan đến món nợ. Cơ sở này cũng có thể là ngân hàng đang sở hữu món nợ. Trong nhiều trường hợp, các nhóm đầu tư chính là chủ nhân của các món nợ, chẳng hạn như các quỹ hưu trí (pension fund) hoặc cá nhân mua quỹ chung (mutual fund). Những món nợ này được quản lý bởi các ngân hàng và những công ty chuyên quản lý tiền nợ.

Nếu có thắc mắc về tiền nợ hoặc bị trễ nợ, quí vị hãy gọi số điện thoại của “loan servicer” được ghi trên phiếu hoặc hóa đơn trả tiền nhà mỗi tháng.


Tiền nợ của tôi đang cao hơn trị giá của căn nhà. Vậy tôi có hội đủ điều kiện để được tái tài trợ theo kế hoạch của chính phủ?

Tiền nợ trong món nợ thứ nhất của quí vị không thể cao hơn 105% so với trị giá của căn nhà hiện nay. Thí dụ: nhà của quí đang có thời giá $300,000. Nếu bị nợ từ $315,000 trở xuống (tức là đúng 105%), quí vị có thể được trợ giúp. Trị giá của căn nhà sẽ được thẩm định sau khi quí vị nạp đơn xin tái tài trợ.


Tôi đang có hai món nợ trên căn nhà. Vậy tôi có được tái tài trợ theo kế hoạch Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ hay không?

Miễn là nợ nhất không cao hơn 105% so với thời giá của căn nhà, cho dù có nợ nhì, quí vị vẫn có thể được trợ giúp theo chương trình “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ.” Quí vị có hội đủ điều kiện hay không sẽ tùy thuộc một phần vào sự thỏa thuận với ngân hàng rằng nợ nhì vẫn nằm ở vị trí thứ nhì, và vào khả năng trang trải nợ nhất theo hợp đồng mới với ngân hàng.


Tiền nhà hàng tháng có giảm xuống sau khi tôi được tái tài trợ?

Mục tiêu của chương trình “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” nhắm vào những người có tín dụng tốt và từng cho thấy có trách nhiệm trả tiền nhà, để tạo cơ hội cho họ được làm lại hồ sơ nợ với lãi suất cố định an toàn hơn hầu giúp cho món nợ giảm nguy cơ bị “vỡ” trong tương lai.

Ðối với những ai đang có nợ với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi xuất hiện nay, họ sẽ thấy tiền nhà hàng tháng giảm xuống ngay lập tức.

Ðối với những ai từng trả tiền lời mà thôi hoặc từng vay với lãi suất khởi đầu rất thấp và tăng dần trong tương lai, họ sẽ không chắc thấy tiền nhà giảm xuống nếu họ tái tài trợ với lãi suất cố định nhằm tránh bị tăng tiền hàng tháng trong tương lai. Tuy vậy, họ sẽ tiết kiệm được nhiều tiền trong thời gian dài của món nợ.

Khi quí vị nạp đơn xin tái tài trợ, ngân hàng sẽ cho quí vị biết trị giá của căn nhà dựa trên sự ước lượng thành thật nhất (good faith estimate) cộng với lãi suất mới, tiền nhà mỗi tháng, và tổng số tiền mà quí vị phải trả trong nhiều năm.

Hãy so sánh điều kiện trong món nợ mới so với món nợ cũ. Nếu không thấy có cải thiện, quí vị không nên tái tài trợ.


Chương trình tái tài trợ có lãi suất và các điều kiện như thế nào?

Chủ đích của “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” là cung cấp người dân với một chương trình vay nợ an toàn với phân lời cố định và tiền nhà phù hợp với lợi tức. Tất cả các món nợ theo chương trình này đều có lãi suất cố định trong 30 năm hoặc 15 năm. Lãi suất sẽ được tính theo giá thị trường cộng với tiền “point” và lệ phí của ngân hàng. Lãi suất có thể thay đổi tùy theo ngân hàng và theo sự điều chỉnh trên thị trường. Những món nợ tái tài trợ này sẽ không có điều lệ phạt trong trường hợp chủ nhà trả nợ sớm (prepayment penalty) hoặc có món tiền trả sau cùng lớn gấp nhiều lần (balloon note).


Nếu được tái tài trợ, món nợ của tôi có được giảm hay không?

Không giảm. Mục đích của chương trình “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” là tạo điều kiện cho chủ nhà được vay tiền với lãi suất an toàn và phù hợp với lợi tức của gia đình. Tiền nợ chính (principal amount) sẽ không giảm. Nợ nhì hoặc các nợ khác cũng vậy. Tuy vậy, kế hoạch của chính quyền sẽ giúp quí vị tiết kiệm tiền nhờ giảm tiền lời trong suốt thời gian dài trả nợ.


Cách thức nạp đơn cho chương trình “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” như thế nào?

Quí vị nên gọi ngân hàng hoặc cơ sở đang quản lý món nợ và hỏi họ về cách thức nạp đơn. Số điện thoại nằm trên hóa đơn hoặc cuống phiếu trả tiền nhà.

Quí vị cần kiên nhẫn. Các ngân hàng cũng như các cơ sở quản lý đều mới nhận được các chi tiết từ chính quyền và cần thời gian để học hỏi trước khi nhận đơn. Trong thời gian chờ đợi, quí vị hãy thu thập đầy đủ các dữ kiện và tài liệu trước khi gọi điện thoại.


Tôi cần tài liệu nào?

Quí vị hãy giúp ngân hàng bằng cách soạn thảo đầy đủ các chi tiết và tài liệu trước khi liên lạc. Quí vị sẽ cần:

1/ Ðơn khai thuế lợi tức mới nhất.

2/ Những giấy tờ liên quan đến món nợ nhì của căn nhà, nếu có.

3/ Tất cả tiền nợ và tiền trả hàng tháng của các thẻ tín dụng.

4/ Tất cả các món nợ khác như nợ xe hoặc nợ tiền học.



Tôi đang bị trễ tiền nhà. Vậy tôi có được giúp không?

Không. Những chủ nhân đang bị trễ nợ sẽ không được giúp. Quí vị cần liên lạc cơ sở quản lý tiền nợ để tìm hiểu về “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ,”xem thử chương trình thứ nhì trong kế hoạch của ông Obama có giúp được gì hay không. (h.d.)

Giải đáp những thắc mắc trong chương trình điều chỉnh hồ sơ vay nợ trong kế hoạch cứu 9 triệu chủ nhà


Trong mấy tháng qua, nhiều chủ nhà phải phấn đấu để không bị mất nhà trong cơn bão suy thoái địa ốc. Tổng Thống Barack Obama đã đưa ra một kế hoạch mà chính quyền liên bang tin rằng sẽ giúp giảm tiền nợ hàng tháng của 9 triệu người Mỹ đang gặp khó khăn.

Kế hoạch mới của ông Obama được thực hiện qua hai chương trình: Home Affordable Refinance và Home Affordable Modification. Tạm dịch hai chương trình này là “Tái Tài Trợ Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” và “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ.”

Trong bài Kỳ 1 đăng ngày Thứ Sáu, 6 Tháng Ba, 2009 trên trang Nhà Ðất này, chúng tôi đã đề cập đến “Tái Tài Trợ.” Sau đây là những câu hỏi và giải đáp lên quan đến “Ðiều Chỉnh.”


Làm sao tôi có thể hội đủ điều kiện cho chương trình “Ðiều Chỉnh?”

Ðể được nhận vào chương trình “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ,” quí vị phải:

1/ Sống trong căn nhà mà quí vị đang làm chủ. Căn nhà thuộc loại từ một đến bốn đơn vị (one to four unit home). Xin nhắc lại, đa số tư gia thuộc dạng một đơn vị. Nhà có hai đơn vị trở lên là chung cư duplex hoặc multiplex. Và phải có các điều kiện 2, 3, 4 và 5 sau đây,

2/ Phần tiền nợ chưa trả hết bằng hoặc thấp hơn so với $729,750 (dành cho nhà một đơn vị, nếu có hai đơn vị hoặc cao hơn, quí vị hãy tham khảo ý kiến của cơ sở quản lý món nợ). Tiền nợ chưa trả hết được ngân hàng tắt là UPB (unpaid principle balance),

3/ Món nợ ngân hàng cần được vay trước ngày 1 Tháng Giêng, 2009,

4/ Tiền nhà hàng tháng (cộng thêm tiền thuế, bảo hiểm và lệ phí của hội chủ nhà - home owners association) cao hơn 31% so với lợi tức hàng tháng chưa trừ thuế, và

5/ Tiền nhà vượt cao hơn khả năng trả nợ vì có thay đổi đáng kể liên quan đến lợi tức hoặc chi tiêu hàng tháng.

Nếu trả lời “Có” cho hết thảy năm điều kiện kể trên, quí vị hội đủ điều kiện để nạp đơn xin được trợ giúp theo chương trình “Ðiều Chỉnh.” Thế nhưng chỉ có cơ sở quản lý món nợ (loan servicer) mới có thể nói cho thân chủ biết họ có được vào chương trình hay không.


Ðể được giúp theo chương trình “Ðiều Chỉnh,” tôi có cần phải nằm trong trường hợp bị trễ nợ tiền nhà?

Không cần. Những người vay nợ thuộc thành phần có trách nhiệm và đang phấn đấu để cập nhật món nợ sẽ được trợ giúp, nếu họ đang có nguy cơ không thể trả tiền nhà đúng thời hạn. Thí dụ như họ đã bị hoặc sắp bị tăng tiền nhà theo điều kiện vay nợ trước đây.

Nếu đã bị tăng tiền nhà hoặc biết mình sắp bị tăng, hoặc có nguy cơ bị giảm lợi tức rất đáng kể, quí vị hãy liên lạc với cơ sở quản lý tiền nợ. Nếu thấy quí vị hội đủ tiêu chuẩn tối thiểu theo chương trình “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ,” cơ sở quản lý sẽ bắt buộc phải thẩm định tiền nợ để xem quí vị có nguy cơ không thể trả nợ hay không.


Tôi bị trễ tiền nhà vài lần, vậy tôi có được cứu xét hay không?

Nếu quí vị trả lời “Có” trong hết năm điều kiện ở phần trên, từng bị trễ tiền nhà hai lần hoặc nhiều hơn, và cơ sở quản lý món nợ đang tham gia kế hoạch “Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” của chính phủ, cơ sở phải thẩm định món nợ của quí vị để xem thử quí vị có hội đủ điều kiện để vào chương trình hay không.


Tôi có nợ nhì. Vậy tôi có được giúp không?

Có, nhưng chỉ có món nợ thứ nhất được điều chỉnh mà thôi.


Làm sao biết cơ sở quản lý của tôi có tham gia chương trình của chính phủ? Có phải tất cả các cơ sở bắt buộc phải gia nhập?

Chương trình được thực hiện dựa trên sự tình nguyện tham dự của các cơ sở tài chánh. Tuy vậy, chính quyền đưa ra nhiều quyền lợi dành cho ngân hàng và giới đầu tư nhằm khuyến khích và hầu hết các cơ sở đều muốn tham dự.

Nếu muốn gia nhập, cơ sở quản lý tiền nợ phải ký một hợp đồng với một đại diện của Bộ Tài Chánh. Qua hợp đồng này, cơ sở phải đồng ý cứu xét tất cả những thân chủ gọi điện thoại hoặc viết thư để xin được vào chương trình.

Trong lúc các hợp đồng được ký kết, trang mạng www.FinancialStability.gov sẽ liệt kê các cơ sở nào đã được nhận vào chương trình. Trong trường hợp muốn nhận tài trợ của chương trình Financial Stability (ổn định tài chánh) trong tương lai, một cơ sở quản lý tiền nợ bắt buộc phải ký hợp đồng.


Cơ sở quản lý sẽ làm gì để biết tôi có hội đủ điều kiện hay không?

Cơ sở quản lý sẽ:

1/ Xem món nợ có đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu (chủ nhà ở trong nhà, vay nợ trước ngày 1 Tháng Giêng, 2009, UPB có bằng hoặc thấp dưới mức $729,750). Nếu cầu trả lời là “Có,” cơ sở sẽ:

2/ Thu thập đầy đủ các dữ kiện về lợi tức để xem thử tiền nhà hàng tháng có cao hơn 31% (khoảng 1 phần 3) lợi tức chưa trừ thuế. (Ban đầu cơ sở quản lý tiền nợ có thể nhận các thông tin qua lời trình bày của quí vị, thế nhưng sau đó quí vị cần phải chứng minh lợi tức bằng hồ sơ khai thuế và cùi lương). Nếu thấy tiền nhà có cao hơn 31%, cơ sở sẽ:

3/ Cộng thêm các chi phí chưa trả trong quá khứ (tiền lời, thuế, bảo hiểm và phí tổn mà ngân hàng phải trả cho các cơ sở khác vì món nợ của quí vị - nhưng không tính tiền phạt trễ nợ, phần đó phải được miễn) vào tiền nợ chưa trả.

4/ Tính xem mức lãi suất cần được giảm xuống bao nhiều để cho quí vị có thể trả nợ với tiền nhà nằm ở khoảng 31% lợi tức.

5/ Áp dụng một công thức để xem phí tổn dành cho thủ tục điều chỉnh tiền nợ (cộng luôn tiền khuyến khích của chính phủ dành cho ngân hàng) có tốn kém ít hơn cho giới đầu tư (chủ nợ) so với phí tổn nếu nhà bị xiết. Nếu có:

6/ Quí vị được đưa vào chương trình thử nghiệm điều chỉnh trong vòng ba tháng với lãi suất mới và tiền nhà thấp hơn.

7/ Nếu quí vị đạt thành quả bằng cách trả tiền nhà đúng thời hạn và cập nhật món nợ sau ba tháng thử nghiệm, cơ sở quản lý sẽ tiến hành thủ tục để giúp quí vị được vào chương trình vĩnh viễn với lãi suất thấp cố định trong 5 năm.

8/ Trong tiền nhà được điều chỉnh theo tiêu chuẩn mới, một món tiền cũng được chiết ra nhằm trả tiền thuế thổ trạch và bảo hiểm khi mà các chi phí này đến thời hạn phải trả. Món tiền được đặt riêng qua một bên được gọi là “escrow.” Kế hoạch của chính phủ bắt buộc tiền nhà được điều chỉnh phải có món tiền “escrow” này cho dù trước đây chủ nhà không trả món tiền đó trong tiền nhà hàng tháng của họ.


Chuyện gì sẽ xảy ra sau 5 năm?

Nếu lãi suất điều chỉnh thấp hơn so với lãi suất trên thị trường, lãi suất điều chỉnh sẽ được áp dụng trong tối thiểu 5 năm theo điều kiện trong giao kèo của món nợ mới. Bắt đầu từ năm thứ sáu, phân lời có thể tăng không quá 1 phần trăm mỗi năm cho đến khi đến mức cao nhất được ấn định trong giao kèo.

Mức cao nhất được tính theo lãi suất trên thị trường trong ngày giao kèo được ký dựa theo thống kê của Freddie Mac với các thân chủ. Ðiều này có nghĩa là phân lời của quí vị sẽ không bao giờ cao hơn phân lời trên thị trường được ghi nhận trong ngày ký giao kèo theo chương trình điều chỉnh. Nếu lãi suất điều chỉnh nằm ở mức bằng hoặc cao hơn so với lãi suất trên thị trường, lãi suất đó sẽ cố định trong suốt thời gian trả nợ.


Lãi suất của tôi có thể xuống thấp đến mức nào?

Bộ Tài Chánh đang đưa ra những quyền lợi dành cho giới đầu tư để cho họ có thể soạn lại giao kèo dành cho quí vị với lãi suất có thể xuống thấp đến mức 2%, nếu cần, để giúp quí vị có khả năng trả nợ hàng tháng dựa trên lợi tức.


Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lãi suất thấp đó vẫn không đủ thấp để giúp tôi có thể trả tiền nhà?

Nếu lãi suất 2% không giúp cho tiền nhà được giảm đến mức mà quí vị có thể trả nợ (31% của lợi tức hàng tháng), cơ sở quản lý món nợ sẽ:

1/ Tìm cách nối dài thời hạn trả nợ, có thể lên tới 40 năm thay vì 30 năm như trong các món nợ bình thường.

2/ Nếu gia hạn thêm vẫn không đủ để giúp cho tiền nhà được hạ xuống, cơ sở quản lý có thể cắt bớt một phần tiền nợ và cất phần này qua một bên để tính lại trong một lúc khác. Sau đó cơ sở sẽ tính lãi suất và thời gian trả tiền trên phần nợ còn lại.

3/ Cơ sở quản lý cũng có thể xóa bỏ hoàn toàn một phần tiền nợ thay vì cất giữ nó qua một bên. Quyết định này tùy thuộc vào giới đầu tư hoặc chủ nợ. Chính quyền không bắt buộc ngân hàng phải xóa bớt nợ cho thân chủ.


Tôi có thể bị rơi vào trường hợp phải trả tiền nhiều gấp bội lần hay không?

Có. Trước đây, trong các chương trình vay nợ, có một loại mà món tiền sau cùng lớn gấp nhiều lần so với tiền trả hàng tháng trước đó. Loại nợ này được gọi là “balloon note” vì món tiền cần được thanh toán ở giai đoạn chót bỗng lớn như bong bóng.

Trong lúc cứu xét món nợ của quí vị theo chương trình “Ðiều Chỉnh,” cơ sở quản lý có thể cất một phần nợ qua một bên, như đã trình bày trong câu hỏi trên. Thí dụ ngân hàng cần để qua một bên $30,000 để giúp cho quí vị có thể trả tiền hàng tháng dựa trên phần nợ còn lại, quí vị vẫn phải trả món nợ $30,000 trong một lúc khác. Món nợ này sẽ không bị tính tiền lời và cần được thanh toán sau khi phần nợ chính được trả hết, được tái tài trợ hoặc quí vị bán được nhà. Tức là sau món tiền cuối cùng mà quí vị cần giải quyết với ngân hàng là $30,000, cao gấp nhiều lần so với tiền trả hàng tháng.


Tôi sẽ tốn bao nhiêu tiền để được “Ðiều Chỉnh” tiền nợ?

Người vay nợ được miễn chi phí trong kế hoạch “Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ.” Cơ sở quản lý sẽ không đòi hỏi quí vị phải trả lệ phí. Nếu có những chi phí khác liên quan đến hợp đồng điều chỉnh, chẳng hạn quí vị còn nợ thuế thổ trạch, các chi phí này sẽ được tính vào món nợ mới. Cơ sở quản lý cũng sẽ xóa bỏ những tiền phạt liên quan đến tiền nợ bị trễ.

Trong trường hợp cần sự cố vấn của một cơ sở được cơ quan HUD (bộ gia cư thành thị) chấp thuận, quí vị sẽ không bị tính tiền cố vấn. Các chủ nhà cần lưu tâm nếu có bất cứ cơ sở nào đề nghị nhận lệ phí để giúp cố vấn trong vấn đề điều chỉnh tiền nợ bị trễ, nhất là trong trường hợp cơ sở đề nghị trả tiền trước khi cung cấp dịch vụ cố vấn.


Tôi nghe nói chính quyền có khích lệ tài chánh dành cho người vay nợ. Ðiều đó có đúng không?

Ðúng. Ðối với những ai trả tiền nhà đều đặn sau khi được điều chỉnh tiền nợ ngân hàng, họ sẽ được tưởng thưởng. Cứ mỗi tháng mà quí vị trả tiền đúng thời hạn, Bộ Tài Chánh sẽ đóng góp một món tiền thưởng để giúp cho món nợ được giảm xuống. Trong 5 năm, tổng số tiền thưởng có thể lên tới $5,000. Phương pháp khích lệ này sẽ giúp quí vị tạo dựng tài sản thế chấp nhanh hơn.


Tôi không sống trong căn nhà mà món nợ đang cần được điều chỉnh. Vậy món nợ này có được giúp trong kế hoạch “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” không?

Không. Chẳng hạn như quí vị làm chủ một căn nhà dùng để nghỉ hè hoặc cho thuê, món nợ trên căn nhà đó sẽ không được đưa vào chương trình “Ðiều Chỉnh.” Nếu từng sống trong căn nhà và nay sống ở nơi khác, món nợ trên căn nhà đó cũng không hội đủ điều kiện. Chỉ có tiền nợ trên căn nhà mà quí vị đang ở mới được giúp. Cơ sở quản lý tiền nợ sẽ tìm hiểu nếu căn nhà là nơi sinh sống chính của quí vị.


Tôi đang thiếu nợ trên một căn nhà duplex (nhà có hai đơn vị). Tôi sống trong một căn, cho thuê căn còn lại. Vậy tôi có được giúp không?

Có. Tiền nợ trên căn nhà có hai, ba hoặc bốn đơn vị đều được giúp miễn là quí vị sống trong một căn.


Tôi có hai món nợ. Vậy chương trình “Ðiều Chỉnh Ðể Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ” có giúp tôi giảm tiền trả hàng tháng trên hai món nợ hay không?

Chỉ có món nợ thứ nhất mới được giúp theo chương trình “Ðiều Chỉnh.”


Tôi đang bị nợ cao hơn trị giá của căn nhà. Vậy kế hoạch của chính phủ Obama giúp tôi giảm bớt tiền nợ?

Mục tiêu chính của Kế Hoạch Giúp Chủ Nhà Có Khả Năng Trả Nợ (Making Home Affordable Program) là nhằm giúp người dân tránh bị xiết nhà bằng phương pháp điều chỉnh lại các điều kiện vay nợ. Giới đầu tư có thể giúp bằng cách giảm lãi suất nhưng hiếm khi cho giảm món nợ.


Làm sao tôi nạp đơn vào chương trình “Ðiều Chỉnh” để được giúp?

Nếu nhận thấy mình hội đủ các điều kiện tổng quát, quí vị hãy soạn tất cả những giấy tờ tài chánh mà cơ sở quản lý món nợ cần xem để cứu xét. Một khi có đủ hết giấy tờ, quí vị hãy liên lạc cơ sở quản lý. Số điện thoại của cơ sở này được ghi trên cuống phiếu trả tiền hàng tháng.

Quí vị hãy kiên nhẫn cho dù tiền nợ đã được cập nhật. Bộ Tài Chánh đã phổ biến sách hướng dẫn với đầy đủ chi tiết về kế hoạch của chính phủ vào ngày 4 Tháng Ba, 2009. Các ngân hàng và cơ sở tài chánh sẽ cần một thời gian để học tập và thông suốt hết các điều khoản trước khi chương trình có thể hoạt động hữu hiệu. Tuy vậy, Bộ Tài Chánh đã khuyến khích các ngân hàng hãy mau chóng cứu xét hồ sơ của những người đang có nguy cơ bị xiết nhà cao nhất.

Nếu cần nói chuyện với một cố vấn được chính phủ chấp thuận, quí vị hãy gọi số 1-888-995-HOPE (4673). Sự cố vấn này hoàn toàn miễn phí.

Nếu đã bị trễ tiền nợ một hoăc hai tháng và chưa nói chuyện với cơ sở quản lý món nợ (loan servicer), quí vị hãy gọi số cố vấn kể trên gấp.


Tôi cần những giấy tờ gì để trình bày với cố vấn hoặc cơ sở quản lý món nợ?

Nhằm giúp cho thủ tục được tiến hành mau chóng hơn, quí vị cần có:

1/ Giấy tờ mới nhất cho thấy các nguồn lợi tức hàng tháng.

2/ Hồ sơ khai thuế mới nhất.

3/ Những giấy chứng nhận tài sản.

4/ Những thông tin về món nợ thứ nhì trên căn nhà của quí vị.

5/ Tiền nợ và tiền trả hàng tháng trên tất cả các thẻ tín dụng.

6/ Tiền nợ và tiền trả hàng tháng trên các món nợ khác, như nợ tiền học hoặc tiền xe.

7/ Một lá thư mô tả hoàn cảnh tài chánh khiến cho quí vị gặp khó khăn trong vấn đề trả tiền nhà (bị thất nghiệp, bị ly dị, lâm trọng bệnh, vân vân). (h.d.)

0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Post a Comment