Friday, March 13, 2009

Thi công cẩu thả làm hai người uổng mạng

Hình chụp một chiếc xe hai bánh gắn máy gãy rời do tai nạn. (Hình: AFP)
Sài Gòn (NV) - Hai người, một thanh niên và một thiếu nữ vừa chết tức tưởi vào ngày hôm qua (12 tháng 3) do trời mưa, đường ngập, xe sa xuống một ổ gà, khiến họ té rồi một chiếc xe tải trờ tới, cán ngang người.

Theo báo điện tử VnExpress, các nhân chứng cho biết, hai nạn nhân đi trên đường Kinh Dương Vương qua quốc lộ 1, về An Sương. Khi rẽ phải ở vòng xoay An Lạc thuộc khu vực quận Bình Tân, Sài Gòn thì họ gặp một vũng nước lớn. Lúc đang băng qua vũng nước, chiếc xe đột ngột đổ ngang và một chiếc xe vận tải chạy cùng chiều từ phía sau trờ tới cán ngang người họ.


Dân chúng ngụ ở khu vực này kể rằng, vũng nước kể trên do một nhà thầu tạo ra. Sau khi đào đường, nhà thầu này lấp đất không kỹ, trải nhựa không cẩn thận nên đọng nước. Trong vũng nước còn có một ổ gà.
Cảnh sát giao thông cho biết vũng nước có diện tích khoảng 3m2, trong vũng nước có một lỗ lớn, sâu khoảng 30cm.
Hai nạn nhân vừa kể không phải là trường hợp cá biệt. Từ năm ngoái đến nay, riêng tại Sài Gòn đã có hàng chục người uổng mạng vì việc thi công các công trình cẩu thả. Trong đó có cả trẻ em. Những loại “bẫy” như vậy không chỉ được “đặt” tại Sài Gòn mà còn có ở khắp nơi. Cũng trong ngày hôm qua, ở Hà Nội, có một chiếc xe buýt sập “bẫy” bởi thi công cẩu thả. Báo điện tử VietNamNet kể: “Khoảng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 3, do công ty cấp thoát nước đào đường đặt ống thoát nước, đặt xong không gia cố nền đường nên khi xe buýt đi qua, đường đột nhiên sụp thành hố”. Theo báo điện tử VietNamNet, trên đường Giang Văn Minh và đường Kim Mã có hơn 1 km đường đã được đào để đặt ống rồi vùi qua loa như vậy.
Ðáng lưu ý là rất ít khi những cá nhân, tổ chức thi công cẩu thả, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên tình trạng đào lấp vô tội vạ vẫn hết sức phổ biến, đặc biệt là ở Sài Gòn.
Trong vài năm qua, Sài Gòn vẫn được ví như một “đại công trường”. Việc triển khai hàng loạt công trình cấp nước, thoát nước, đặt các loại cáp (điện, điện thoại), khiến đường sá bị đào xới ngổn ngang. Tình trạng này không chỉ khiến sinh hoạt xã hội rối loạn vì kẹt xe trầm trọng (bề mặt các con đường bị thu hẹp, thường chỉ còn một nửa so với trước), mà còn khiến Sài Gòn ô nhiễm nặng do khói, bụi, dễ ngập. Thậm chí nguồn thu cho ngân sách giảm đáng kể vì buôn bán ế ẩm do mua bán bất tiện, chính quyền Sài Gòn phải giảm thuế...
Hồi đầu năm nay, tờ Thanh Niên cho biết: “Năm ngoái, chỉ có 48km đường bị đào mà đã gây ra ùn tắc trầm trọng. Năm nay, có thêm 57 km đường bị đào, 'bức tranh' giao thông Sài Gòn sẽ xám xịt”. Lúc đó, ông Trần Hồng Nam, phó thanh tra Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, thú nhận: “Chưa bao giờ tình trạng các nhà thầu thi công bê bối, chậm chạp lại gây bất bình trong dân chúng nhiều như năm qua”. Trong bối cảnh như vậy, đại diện Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, cơ quan bị chỉ trích nhiều nhất, chỉ dám hứa: “Sẽ ban hành một quy định về đào đường, yêu cầu nhà thầu phải cử người điều tiết giao thông tại mỗi ‘lô cốt’, bảo đảm không để xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Ðồng thời chỉ cấp giấy phép đào từng ‘lô cốt’, không cấp ồ ạt như trước và sẽ xử phạt nghiêm khắc những nhà thầu có vi phạm”.
Cùng thời điểm ấy, UBND thành phố Sài Gòn tuyên bố chọn 2009 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Tuyên bố này khiến người ta thắc mắc, không rõ làm sao có thể biến đô thị thành văn minh khi việc chặn đường, che chắn để đào đắp, lắp đặt ống cống, ống cấp nước, cáp điện, cáp điện thoại, xây dựng công trình... mà dân Sài Gòn quen gọi là “lô cốt” sẽ dày đặc hơn năm ngoái, mức độ ô nhiễm, xáo trộn sinh hoạt cũng theo đó mà trở thành tồi tệ hơn (?).


0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Post a Comment