Hình bên: Ðưa heo đến lò mổ. Tại Quảng Nam, do dịch heo tai xanh lây lan dữ đội, chính quyền tỉnh này đã ra lệnh tiêu hủy heo bệnh, cấm mua bán, giết mổ, vận chuyển,... và tất cả những yếu tố này đã khiến nhiều người điêu đứng. (Hình: AFP)
Quảng Nam (NV) - Tin mới nhất cho biết, rạng sáng ngày 10 tháng 3, đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Nam, đã phát giác một chiếc xe vận tải chở 1,100 con heo (800 con đã chết) vào Sài Gòn để bán cho các lò chế biến heo sữa quay.
Sau sự kiện này, dân chúng địa phương cho biết thêm, tại Thăng Bình, Quảng Nam, trước nay, vẫn có những người chuyên mua heo sữa bị chết, ướp lạnh rồi đưa vào Sài Gòn hay chở ra Hà Nội làm heo sữa quay.
Chi Cục Thú Y Quảng Nam cho biết, dịch tai xanh đang bùng phát dữ dội tại nhiều huyện ở Quảng Nam.
Báo điện tử VietNamNet kể: Sau khi phát giác vụ vận chuyển heo trong thời gian cấm vận chuyển, giết mổ, mua bán để phòng ngừa dịch heo tai xanh lan rộng, thú y tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra và xác định toàn bộ số heo này nằm trong một vùng là “ổ dịch”, buộc phải tiêu hủy. Thanh tra Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản, xử phạt 15 triệu, đồng thời buộc chủ hàng, chủ phương tiện phải chịu toàn bộ chi phí khử trùng và tiêu hủy.
Năm ngoái, sau khi thú y một số địa phương chôn lấp heo chết vì dịch tai xanh, dân chúng một số tỉnh đã đào các hố chôn heo để trộm thịt heo, đem về chế biến thành các món ăn rồi đem bán.
Tất cả những hành vi đã kể (thiếu ý thức phòng ngừa dịch bệnh, không tôn trọng sức khỏe người khác) tất nhiên là đáng trách, song cũng cần phải lưu ý rằng, dịch bệnh xảy ra liên tục trên gia súc, gia cầm đã làm nông dân khánh kiệt. Cũng vì vậy, họ tìm mọi cách để vớt vát vốn liếng, công sức.
Cách nay vài ngày, cũng báo điện tử VietNamNet cho biết, nhiều người dân Quảng Nam nghẹn ngào tâm sự: “Ðói là cái chắc, hết thiên tai, lại dịch chồng dịch, kiểu ni làm răng sống nổi. Làm ruộng sống nhờ hạt lúa, củ khoai thì trận lụt muộn hồi trước Tết, ông trời lấy hết rồi. Miếng ăn chỉ còn trông chờ vô mấy con heo, bây chừ lại dịch. Rứa là trắng tay, đói xanh mặt rồi!...”
Một phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan, ngụ ở xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nước mắt lưng tròng than: “Không biết tại răng mà dịch tai xanh cứ chà đi xát lại mấy năm ni, làm bà con tui ngóc đầu không nổi. Có cách chi trị hết dịch tai xanh để cứu bầy tui. Năm mô dịch cũng tái phát vài ba bận, làm răng sống nổi hả trời...” Bà Lan có đàn heo hơn 10 con, gầy dựng từ ba triệu đồng vay của quỹ “xóa đói, giảm nghèo”, do nhiễm dịch đã phải đập chết, đem đi chôn: “Chừ vốn đi vay và công chăm sóc hơn 8 tháng nay coi như mất trắng. Không biết lấy tiền mô mà trả cho ngân hàng...”
Mỗi khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát, chính quyền CSVN từ trung ương đến địa phương chỉ công bố dịch và thực hiện các biện pháp ngăn chặn vận chuyển, giết mổ, mua bán để phòng ngừa dịch bệnh lan rộng. Những biện pháp khác nhằm hỗ trợ nông dân chỉ có trong các tuyên bố và trên giấy tờ.
Friday, March 13, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment