HÀ TĨNH
Diện tích: 6.054,75 km2.
Dân số (2004):1.289.013 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Hà Tĩnh.
Các huyện gồm: Thị xã Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chứt...
Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Lào. Địa thế Hà Tĩnh toàn núi đồi, rừng rậm. Các dãy núi cao thường ở phía Tây. Một số núi đáng kể ở đây là núi Giăng Màn (là đoạn của Trường Sơn, có độ cao khoảng từ 1671 - 2286 m (6,858 ft)), núi Quang Vụ được cấu tạo bởi núi hoa cương, đá nai và mi - ca điệp thạch, độ cao trung bình 2000 m (6,000 ft), dãy núi Hồng Lĩnh, Đại hàm, Bà Mụ 1357 m (4,071 ft), Ong Giao 1100 m (3,300 ft), Hoành Sơn 1044 m (3,132 ft), Keo Nưa 735 m (2,205 ft), Rú Lâm 508 m (1,524 ft), Vàng, Rú Coi, Thiên Cầm, Nam Giới, Lạc Sơn, Trạm Voi, Cẩm Cao Vọng, đèo Ngang... Đồng bằng chỉ là dải đất hẹp ven biển và xung quanh các trục đường quốc lộ.
Hà Tĩnh có tới 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Sông ngòi trong tỉnh cũng giống như Nghệ An, dòng sông ngắn nhưng chảy ra cửa biển lớn. Những sông ngòi đáng kể là sông Con, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, La Giang, Rào Con, Khe Trời, Rào Bầu Nước, Khe Canh, Rào Mốc, hai sông Cửa Sót và Cửa Khấu chảy ra hai cửa cùng tên... Bờ biển dài 137 km (85.6 miles). Quốc lộ 1A chạy qua tỉnh. Tỉnh có cửa khẩu Kẹo Nưa, thuận tiện giao lưu với các nước Lào, Thái Lan.
Nhiệt độ trung bình năm 23,7° C. Khí hậu thay đổi luôn, mùa mưa từ tháng chín đến tháng mười, các tháng tám, chín, mười hay có bão. Các tháng một, hai, ba tương đối ấm áp. Hai tháng tư, năm mưa rào gặp dốc nên thường lụt bất ngờ. Mùa khô từ tháng sáu, tháng bảy có gió lào rất khô, nóng.
Hai quốc lộ 1 và 8 là trục giao thông quan trọng để di tích thắng cảnh chuyên đến các tỉnh lân cận. Hà Tĩnh cách Hà Nội 340 km (212.5 miles), giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều thuận lợi.
QUẢNG BÌNH
Diện tích: 8.037,6 km2.
Dân số (2004): 817.963 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Đồng Hới.
Các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Dân tộc: Việt (Kinh), Bru - Vân Kiều, Chứt, Lào...
Quảng Bình là tỉnh thuộc miền Trung, phía Bắc giáp Hà Tĩnh, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp Quảng Trị. Địa hình tương đối phức tạp, núi rừng sát biển tạo thành độ dốc cao dần từ đông sang tây. Đồng bằng nhỏ hẹp, chủ yếu tập trung theo hai bờ sông chính. Quảng Bình có nhiều sông ngòi. Bờ biển kéo dài 116 km (72.5 miles) với hai cảng lớn: cảng Gianh và cảng Nhật Lệ. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 25-26° C. Thị xã Đồng Hới cách Hà Nội 491 km (307 miles) đường bộ, và 522 km (326 miles) đường xe lửa. Giao thông tương đối thuận tiện.
Quảng Bình có hai nhánh của dãy núi Trường Sơn phân chia thành hai khu vực: châu thổ sông Gianh ở phía Nam và một bình nguyên ở phía Bắc lan rộng đến Hà Tĩnh, nơi chân dãy núi Hoành Sơn Quan, Quảng Bình còn một khu vực thứ ba tạo nên dãy Trường Sơn với những đồi núi toàn rừng rậm.
Các đỉnh núi cao của Quảng Bình từ Bắc xuống Nam là núi Ba Ròng cao 1.137 m (3,411 ft), núi Đại Đù 890 m (2,670 ft), núi Ư Bo 1.000 m (3,000 ft), núi Co Ta Sun nằm sát biên giới giữa Việt - Lào cao 1.624 m (4,872 ft), núi Động Châu ở phía Tây - Nam, ở ngay biên hai tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị cao 1.254 m (3,762 ft). Phía Đông có những đỉnh thấp hơn với độ cao khoảng 400 m (1,200 ft). Tỉnh lỵ Đồng Giới giáp ranh với hai dãy đồi dính liền núi Đầu Mâu thuộc dãy Trường Sơn. Về phía Tây là Đèo Mụ Già thông qua Lào.
Phía Bắc Quảng Bình có sông Ròn và Sông Gianh (còn gọi là Linh Giang hay Thanh Hà) rộng khoảng 800 m (2,400 ft), là con sông lịch sử được lấy làm ranh giới phân chia đất nước thời Trịnh - Nguyễn. Phía Nam là các sông Lý Hòa, sông Nhật Lệ và sông Dinh. Sông Nhật Lệ nhận nước Kiên Giang ở Hữu Ngạn rồi đổ ra cửa sông Nhật Lệ. Ở ngoài biển có vài hòn nhỏ nằm về phía Nam và Đông Nam mũi Độc như hòn La, hòn Gió, hòn Chùa, hòn Vũng, hòn Cồ.
Nằm ở cửa ngỏ đường vô xứ Huế, gối đầu lên đỉnh đèo Ngang thơ mộng, dải đất Quảng Bình trải ra như một bức tranh hoành tráng về non xanh nước biếc. Phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình. Bờ biển Quảng Bình có những bãi cát vàng óng ánh dưới rừng dương xanh có nhiều bãi tắm đẹp, nước biển lung linh màu ngọc bích và chưa bị ô nhiễm. Động Phong Nha là một trong những hang động lớn và đẹp nhất ở Việt Nam.
Gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng Mười đến cuối tháng Ba có mưa và trước khi đổi sang mùa nắng là mưa phùn. Gió mùa Đông Nam thổi từ tháng Tư đến cuối tháng Chín. Trong tháng Tám và tháng Chín thường có bão. Nhiệt độ trung bình ở tỉnh lỵ Đồng Hới 25.3° C.
QUẢNG TRỊ
Diện tích: 4.592 km2.
Dân số (2004): 588.681 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Đông Hà.
Các huyện: Thị xã Quảng Trị; Huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hương Hóa, Đa Krong.
Dân tộc: Việt (Kinh), Bru - Vân Kiều, Paco, Tà Ôi, Nùng, Xtiêng, Xu Đăng.
Tỉnh Quảng Trị phía Bắc giáp Quảng Bình, phía Đông giáp Đông Hải, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây là dãy Trường Sơn và nước Lào. Diện tích 4700 km2. Tỉnh lỵ Quảng Trị cách thành phố Hà Nội 598 km (374 miles) về hướng Nam, cách thành phố Huế 55 km (34 miles) và cách Sài Gòn 1227 km (767 miles) về hướng bắc.
Về hình thể, đất tỉnh chia làm hai, phía Đông là đồng bằng hẹp, phía Tây là rừng núi thuộc Trường Sơn, chiếm gần hai phần ba diện tích tỉnh. Từ bắc xuống nam có các núi; Đông Châu 1254 m (3,762 ft) (ranh giới với tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc). Đồng Sa Mùi 1200 m (3,600 ft), Đồng Voi Mệp 1701 m (5,103 ft), Động Tou Troen 928 m (2,784 ft), Động Ca Lư 710 m (2,130 ft), Phou Nhoi 690 m (2,070 ft), Giang Gro 771 m (2,313 ft), Ta Laou 821 m (2,463 ft), Động Bà Lệ 1102 m (3,306 ft) (ranh giới với tỉnh Thừa Thiên ở phía Nam), Cây Tre 485 m (1,455 ft),... các núi phía Đông chỉ cao độ 300 đến 600 m (1,800 ft).
Ba sông chính của tỉnh là Bến Hải, Cam Lộ và Sông Hàn. Sông Bến Hải phát nguồn từ dãy Trường Sơn ra đến biển ở cửa Tùng, dài 75 km (47 miles). Sông Hàn (còn gọi là sông Thạch Hàn và sông Quảng Trị) chảy từ phía Nam quận Triệu Phong ngược lên phía Bắc ở quận Hương Hóa và quận Cam Lộ, rồi đổ ra cửa Việt. Phía tả ngọn có các sông Hiếu Giang, Vĩnh Phước, Ái Tử chảy vào, phía hữu ngạn có sông đào Vĩnh Định, sông Cam Lộ (gọi là con sông Bồ Điền) là con sông đào nối sông Bến Hải với sông Thạch Hãn, chảy qua hai quận Hương Hóa và Cam Lộ. Ngoài ra tỉnh còn có một số dòng sông nhỏ như Rao Quan, Da Krong, Mỹ Chánh, Nhung Giang, Trịnh Hin, Rào Vĩnh... Bờ biển Quảng Trị dài 66 km (41 miles), ngoại trừ vùng cửa Tùng lởm chởm đá, suốt bờ biển đều bằng phẳng và có nhiều cát, các bờ biển không kín đáo nên không thành lập được các hải cảng.
Khí hậu Quảng Trị đỡ khắc nghiệt hơn một số tỉnh lân cận, cũng với hai mùa mưa nắng. Mùa nắng từ tháng ba đến tháng bảy, thời tiết oi bức, mùa hè có gió Lào thổi về càng làm không khí thêm ngột ngạt và nặng nề. Mùa mưa từ tháng tám đến tháng hai. Tháng chuyển tiếp thường có mưa lớn nên thường có lụt lội. Mưa ở đây có ảnh hưởng của gió bấc, tháng tám đến tháng mười hai có mưa rào, mưa rào liên tục đổ xuống ào ạt, làm nước sông dâng lên gây lụt lội thường xuyên. Từ tháng giêng đến tháng hai có mưa phùn và gió bấc.
THỪA THIÊN HUẾ
Diện tích: 5.010 km2.
Dân số (2004): 1.088.134 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Huế.
Các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông.
Dân tộc: Việt (Kinh), Tà ôi, Cà Tu, Bru - Vân Kiều, Hoa...
Phía Bắc, Thừa Thiên Huế giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Tây dựa vào dãy Trường Sơn chính là biên giới Việt - Lào, phía Đông trông ra biển. Cách Hà Nội 660 km (413 miles), cách thành phố Sài Gòn 1.080 km (675 miles).
Địa hình Thừa Thiên Huế có cấu tạo dạng bậc khá rõ rệt. Địa hình núi chiếm khoảng 1/4 diện tích, từ biên giới Việt - Lào và kéo dài đến thành phố Đà Nẵng. Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích, độ cao phần lớn dưới 500 m (1,500 ft), có đặc điểm chủ yếu là đỉnh rộng, sườn thoải và phần lớn là đồi bát úp, với chiều rộng vài trăm mét. Đồng bằng Thừa Thiên Huế điển hình cho kiểu đồng bằng mài mòn, tích tụ, có cồn cát, đầm phá. Diện tích vùng đồng bằng chiếm khoảng 1.400 km2 (547 square miles).
Hầu hết các sông lớn ở Thừa Thiên Huế đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, chảy ngang qua đồng bằng, xuống đầm phá, đổ ra biển như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Truồi, sông Cầu Hai... Trong đó sông Hương là con sông lớn nhất có diện tích lưu vực 300 km2 (117 square miles).
Bờ biển dài 120 km (75 miles), có cảng Thuận An và Vịnh Chân Mây với độ sâu 18 - 20 m (54 - 60 ft), có khả năng xây dựng cảng nước sâu. Sân bay Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy lục tỉnh. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy đều thuận lợi.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên thời tiết diễn ra theo chu kỳ 4 mùa, mùa xuân mát mẽ, ấm áp; mùa hè nóng bức; mùa thu dịu dàng và mùa đông gió rét. Nhiệt độ trung bình cả năm 25 ° C. Số giờ nắng cả năm là 2000 giờ. Mùa du lịch đẹp nhất từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Thừa Thiên Huế có đặc thù ưu việt đó là sự đa dạng của cảnh quan thiên nhiên cộng với yếu tố nhân tạo đã tạo ra cho Thừa Thiên Huế một nét đẹp hài hòa, phản ánh đầy đủ những thắng cảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, những khu vườn xum suê, những dòng kênh bao quanh, những đồi thông soi bóng xuống những hồ nước trong xanh, trải rộng, những bãi tắm Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô nước trong, cát mịn. Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, Thừa Thiên Huế tự hào có khu nghỉ mát lý tưởng Bạch Mã đã từng được so sánh với các khu nghỉ mát độc đáo của Đông Dương.
Thừa Thiên Huế là một vùng đất cổ. Vào thế kỷ 13 vùng đất thơ mộng này đã hòa nhập vào Đại Việt bởi là quà tặng của Vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Phong cảnh tươi đẹp, địa hình hiểm trở tạo cho Huế có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây đã được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm Kinh Đô xứ Đàng Trong (1558), vua Quang Trung chọn làm Kinh Đô triều đại Tây Sơn (1788 - 1802), vua Gia Long chọn làm Kinh Đô triều Nguyễn (1802 - 1945). Trong hơn 400 năm, Huế là trung tâm chính trị, văn hóa của nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa mà nổi bật nhất là các cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Với các di tích đó, Huế đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới (ngày 11/12/1993).
Tiềm năng du lịch nổi bật của Huế là quần thể các di tích văn hóa Thừa Thiên Huế vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại với trên 300 công trình kiến trúc bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn; các kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, các chùa chiền, miếu mạo, phủ đệ, hệ thống nhà vườn…
ĐÀ NẴNG
Diện tích: 1254,32km2.
Dân số (2004): 729.786 người.
Các quận nội thành: Hải Châu, Thành Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu; 2 huyện: Hòa Vang và Hoàng Sa.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa.
Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ đất nước, trên trục đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không của cả nước và khu vực. Phía Bắc giáp Huế, phía Tây và Nam giáp Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông.
Địa hình thành phố Đà Nẵng khá đa dạng: phía Bắc là đèo Hải Vân hùng vĩ, vùng núi cao thuộc huyện Hòa Vang (phía Tây Bắc của tỉnh) với núi Mang 1.708 m (5,125 ft), núi Bà Nà 1.487 m (4,461 ft). Phía Đông là bán đảo Sơn Trà hoang sơ và một loạt các bãi tắm biển đẹp trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến bãi biển Non Nước. Phía Nam có núi Ngũ Hành Sơn. Ngoài khơi có quần đảo Hoàng Sa với ngư trường rộng lớn. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chia hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 28 - 29 ° C, bão thường đổ bộ trực tiếp vào thành phố các tháng 9, 10 hàng năm.
Thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 1888, từ xa xưa đã là hải cảng quan trọng của Việt Nam, nay là một trung tâm kinh tế, một thành phố lớn nhất miền Trung. Đà Nẵng không chỉ gắn bó mật thiết với Quảng Nam mà còn với cả miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia. Đà Nẵng có khu vực cảng Đà Nẵng với cảng biển Tiên Sa (cảng sâu) và 9 cầu cảng dọc sông Hàn, có sân bay quốc tế Đà Nẵng, có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Đà Nẵng còn là nơi hội tụ các xí nghiệp lớn của các ngành dệt, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng...
Đến với vùng đất Đà Nẵng, du khách sẽ có dịp đi thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân... và có thể bơi lội thỏa thích ở các bãi biển đẹp, cát trắng mịn kéo dài hàng chục km. Tiềm năng du lịch của vùng đất Đà Nẵng thật to lớn.
QUẢNG NAM
Diện tích: 11.043 km2.
Dân số (2004): 1.430.424 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Tam Kỳ.
Các huyện: Thị xã Hội An; huyện: Hiên, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Giằng, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn, Núi Thành, Trà My.
Dân tộc: Việt (Kinh), Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Co...
Nằm ở giữa miền trung Việt Nam, phía Bắc Quảng Nam giáp Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp nước Lào, phía Nam giáp Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Đông, ngoài khơi có đảo Cù Lao Chàm với ngư trường rộng lớn.
Quảng Nam có nhiều đồi và núi (chiếm 72% diện tích) với nhiều ngọn núi cao: núi Lum Heo cao 2.045 m (6,135 ft), núi Tion cao 2.032m (6,096 ft), núi Gole-Lang cao 1.855m (ft). Vùng đất thấp ven biển là đồng bằng châu thổ, chiếm gần 25% diện tích đất của tỉnh tập trung ở phía Đông, trải dài hai bên quốc lộ.
Quảng Nam có nhiều đặc sản nổi tiếng như chè Phú Thượng, quế Trà My, cói Hội An, đường mía Điện Bàn... Các con sông lớn đều chảy dãy Trường Sơn ra biển Đông: sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ.
Quảng Nam có hai loại khí hậu khá rõ rệt là khí hậu của vùng nhiệt đới ven biển và khí hậu ôn đới vùng cao. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 25° C. Ở Quảng Nam có hai mùa phân biệt rõ rệt: từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa khô, từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa mưa. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2.000mm (79 in).
Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng được tạo lập trên con đường phát triển về phía Nam của nhiều thế hệ người Việt. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích văn hóa thời đại kim khí ở thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, đó là nền văn hóa Sa Huỳnh, sau đó được người Chămpa kế thừa và sáng tạo ra nền văn hóa Chămpa.
Vương quốc Chămpa đã có hai thời kỳ cực thịnh với những cung điện, đền đài, thành quách uy nghi tráng lệ được xây dựng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 9. Năm 1306, vùng đất Quảng Nam trở thành đất của Đại Việt. Đây là đất sính lễ của vua Chế Mân dâng lên vua Trần Anh Tông khi cưới công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu vương quốc Chămpa. Năm 1471, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Quảng Nam là tuyên thừa thứ 13 của Đại Việt.
Năm 1570 - 1606 Nguyễn Hoàng (chúa Nguyễn sau này) khi làm lãnh chấn Quảng Nam đã coi Đà Nẵng là cửa ngõ yết hầu miền Thuận Quảng, biến nó thành đất dung nạp những người từ phía Bắc vào khai canh, lập ấp, mở mang sản xuất và dùng thương cảng Hội An khai thông giao lưu với bên ngoài... Năm 1832 được vua Minh Mạng đổi thành Quảng Nam dinh.
Tỉnh Quảng Nam đã được thành lập từ năm 1831, là một tỉnh nông nghiệp. Hai dòng sông Thu Bồn và Tam Kỳ vừa tô điểm cho Quảng Nam vừa là đường giao thông rất tiện lợi.
Phố cổ Hội An (trước đây là cảng Đại Chiêm), một trong những đô thị cổ nhất Đông Nam Á, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
QUẢNG NGÃI
Diện tích: 5.177 km2
Dân số (2004): 1.263.880 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Quảng Ngãi.
Các huyện: (13 huyện) 01 huyện đảo (Lý Sơn), 06 huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ), 06 huyện miền núi ( Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long); 162 xã và 18 phường, thị trấn.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hrê, Cơ-ho, Xơ Đăng...
Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, phía Bắc giáp Quảng Nam, phía Nam giáp Bình Định, phía Tây giáp Kon Tum. Bờ biển Quảng Ngãi dài 135 km (84 miles), ngoài khơi có đảo Lý Sơn. ở vào vị trí chính giữa của đất nước cách Hà Nội 883 km (552 miles), Quảng Ngãi có quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên, Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Địa hình có 4 vùng: vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng hải đảo. Các sông chính chảy qua tỉnh là sông Trà Khúc, sông Trà Bồng, sông Sông Vệ.
Khí hậu Quảng Ngãi khá khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình từ 25,5 - 26,5° C, nhiệt độ cao nhất lên đến 41°C và thấp nhất là 12°C. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 8 và lạnh nhất từ tháng 1 đến tháng 3. Lượng mưa trung bình năm 1.900 mm (75 in), cao nhất đến 3.500 mm (138 in). Mùa mưa thường hay gây lũ lụt.
Thị xã Quảng Ngãi được xây dựng bên bờ sông Trà Khúc. Từ xa xưa đã có những bánh xe nước to lớn quay suốt ngày đêm, vừa tô đẹp cho phong cảnh, vừa cấp nước cho các ruộng lúa, ruộng mía, nguyên liệu làm ra các loại đường cát, đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương nổi tiếng.
Quảng Ngãi có hải cảng Dung Quất, một cảng lớn có độ sâu lý tưởng đang được khởi công xây dựng. Trong tương lai Dung Quất sẽ trở thành một cảng dầu khí lớn nhất Việt Nam cùng với thành phố Vạn Tường hiện đại.
KON TUM
Diện tích: 9.934km2.
Dân số (2004): 331.102 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Kom Tum.
Các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đak Tô, Kon Plong, Đak Hà, Sa Thầy.
Dân tộc: Việt (Kinh), Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai...
Kon Tum là tỉnh ở phía Bắc Tây Nguyên Gia Lai - Kon Tum, một trong 3 cao nguyên lớn của Tây Nguyên. Kon Tum có chiều dài biên giới 275 m (825 ft), tiếp giáp với Hạ Lào và Bắc Cam-Pu-Chia về phía Tây, Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Nam giáp tỉnh Gia Lai. Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc tỉnh có dãy núi Hoa Cương cao nhất miền Nam; đỉnh Ngọc Lĩnh 2.596 m (7,788 ft), đỉnh Ngọc Phan 2.251 m (6,753 ft). Đây là nơi bắt nguồn của các sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba.
Kon Tum có trên 50% diện tích là rừng với các khu rừng nguyên sinh nơi có các loại gỗ quí, các lâm đặc sản và chim thú quí hiếm. Ngoài ra, Kon Tum còn có vùng đất bazan thích hợp với các cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè, mía, dâu tằm... và các đồng cỏ thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Kon Tum có khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 23,4 ° C, lượng mưa trung bình năm 1.884 mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đường quốc lộ 14 chạy dài từ Tây Quảng Nam qua tỉnh lỵ Kon Tum, đi xuống Gia Lai - Đắk Lắk - Sài Gòn; quốc lộ 24 nối Kon Tum với Quảng Ngãi; quốc lộ 40 nối Kon Tum với Atôpơ (Lào).
Thị xã Kom Tum xây bên bờ sông Đắc Pla, một nhánh của sông Pô Cô, giữa một đồng bằng nhỏ cao 525 m (1,575 ft). Đây là trung tâm hành chính cũ của Pháp ở Tây Nguyên. Các cố đạo Pháp đã đến đây từ năm 1851. Thị xã Kom Tum cách Buôn Ma Thuột 246 km (154 miles), cách Qui Nhơn 215 km và cách Pleiku 49 km (31 miles). Du khách đến Kon Tum sẽ có dịp đi thăm nhiều cảnh đẹp của vùng núi rừng Tây Nguyên như núi Ngọc Lĩnh, các khu rừng nguyên sinh như Chư Mô Ray, Sa Thầy, khu du lịch Đắc Tre ở huyện Kon Plong, suối nước nóng Đak Tô.
GIA LAI
Diện tích: 16.212 km2.
Dân số (2004): 1.048.231 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku.
Các huyện: An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Krông Pa, Kong Chro, Mang Yang.
Dân tộc: Việt (Kinh), Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng...
Gia Lai là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 m - 800 m (1,800 ft - 2,400 ft) so với mặt biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắc Lắc, phía Tây giáp Cam-Pu-Chia với 90 km (56 miles) là đường biên giới quốc gia, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21° C - 25° C. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 mm - 2.500 mm (87 - 98 in), vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 - 1.750 mm (47 - 69 in). Khí hậu Gia Lai giống như khí hậu tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk với hai mùa mưa nắng theo gió mùa.
Tỉnh có trục quốc lộ 14 nối với Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; trục quốc lộ 19 nối với các tỉnh duyên hải miền Trung từ Qui Nhơn đến Pleiku và đi các tỉnh Đông Bắc Cam-Pu-Chia; quốc lộ 25 nối với Phú Yên. Thành phố Pleiku nằm trên ngã ba giao lộ của quốc lộ 19, quốc lộ 14, quốc lộ 25, cách cảng Qui Nhơn 180 km (113 miles) đường bộ, cách Sài Gòn 541 km (338 miles). Tỉnh có sân bay Pleiku khá lớn.
Gia Lai là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông đổ về miền duyên hải Cam-Pu-Chia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Vùng đất Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka King, rừng Kon Cha Rang nơi có nhiều động vật quí hiếm; thác Yaly hùng vĩ; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chu Sê.
Nhiều con suối đẹp như suối Đá Trắng, suối Mơ và các danh lam thắng cảnh khác như bến đò "Mộng" trên sông Pa, biển hồ Tơ Nưng trên núi mênh mông và phẳng lặng - núi Hàm Rồng cao 1.092 m (3,087 ft) mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt.
BÌNH ĐỊNH
Diện tích: 6.076 km2.
Dân số (2004): 1.536.154 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Qui Nhơn.
Các huyện: An Lão, Hoài An, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Bana...
Là một tỉnh duyên hải miền Trung, phía Bắc giáp Quảng Ngãi, Tây giáp Gia Lai, Nam giáp Phú Yên, Đông giáp biển Đông. Địa hình Bình Định đa dạng có vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Bờ biển Bình Định dài hơn 100 km (63 miles) với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi. Tỉnh có suối nước khoáng ở huyện Phù Cát.
Bình Định cũng bị bao phủ bởi dãy Trường Sơn về phía Tây, có các nhánh núi đâm ra biển khiến địa thế trở nên hiểm trở. Các dãy núi trùng điệp nhưng không cao lắm, thoai thoải dần về phía Đông:
Dãy Thạch Tấn ngăn Bình Định với Quảng Ngãi, hai tỉnh thông nhau nhờ đèo Bình Đê. Trong dãy này có ngọn Thạc Tấn, nơi giao tranh của quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn trước đây. Xuống phía Nam, dãy Trường Sơn chia làm nhiều nhánh, gồm những ngọn núi không cao lắm, đây là nơi cư ngụ của đồng bào Thượng.
Dãy An Lão có các ngọn núi Cheu cao 952 m (2,856 ft), Teup cao 960 m (2,880 ft), Yon cao 960 m (2,880 ft).
Dãy Kinh Sơn nằm trong quận Hoài Ân bao gồm những ngọn núi cao khoảng 500 m (1,500 ft) và đỉnh Kim Sơn cao 800 m (2,400 ft).
Dãy Vinh Thạnh nối với dãy Kim Sơn bởi đèo Giốc Đót, có những ngọn núi cao với địa thế hiểm trở như hòn Bong, hòn Heo và hòn Chuông.
Dãy Triều Châu là phần cuối của dãy Vinh Thạnh, phủ toàn cát trắng, được định làm ranh giới giữa Bình Định và Pleiku bởi đèo Măng Giang (Mang Yang). Dãy Triều Châu còn gọi là dãy Tây Sơn vì là nơi tụ binh của anh em nhà Tây Sơn trước đây. Trong quận An Túc có các đỉnh Konlak cao 1.720 m (5,169 ft) và Kon Bonia cao 1.568 m (4,704 ft).
Dãy Nam Sơn (còn gọi là vùng núi Binh Sau), có các hòn Ông, hòn Bà, núi Am và hòn An Tượng. Dãy này ngăn chia Bình Định với Phú Yên, hai tỉnh này thông nhau bởi đèo Cù Mông. Trong quận Phú Cát có núi Bà cao 1.100 m (3,300 ft).
Các sông trong tỉnh đều xuất phát từ dãy Trường Sơn, gồm ba sông lớn là Lại Giang, sông Côn và sông Ba:
Sông Lại Giang (còn gọi là Lại Dương), có hai nguồn: nguồn An Lão chảy theo hướng Nam gặp nguồn Kim Sơn ở Phú Văn. Nguồn Kim Sơn có nhiều nguồn nước hợp nhau ở Xuân Sơn tạo thành. Rồi chảy theo hướng Đông - Bắc, gặp nguồn An Lão tại Phú Văn. Tại Phú Văn, hai nguồn trên hợp lại thành sông Lại Giang chảy ra biển qua cửa An Giũ.
Sông Ba, phát nguồn từ vùng núi ranh giới phía Tây - Bắc của Bình Định với hai tỉnh Kontum và Quảng Ngãi, rồi chảy dọc theo hướng Bắc - Nam qua các tỉnh Phú Bồn và Phú Yên. Sông ba có một số phụ lưu lớn như sông Dak Katung, sông Dak Pokor...
Sông Côn lớn và là sông quan trọng nhất tỉnh, dài 35 km (22 miles), cũng phát nguồn từ vùng núi biên giới của ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Kontum. Từ nguồn đến Định Quang, sông chảy theo hướng Bắc - Nam và được gọi là suối Kron vì hẹp và ít nước. Từ Định Quang xuống Thượng Giang, sông được gọi là Hà Giao. Từ Hữu Giang và Tả Giang ra đến cửa biển, sông mới chính thức gọi là sông Côn. Từ Phú Phong đến An Thái, sông chảy theo hướng Tây - Đông và chia làm hai nhánh sông Bắc Phái và Nam Phái, hai nhánh này đều đổ ra cửa Thị Nại. Phụ lưu quan trọng nhất là sông Đá Hàng giúp cho sông Côn mở rộng ra, lượng nước dồi dào thêm.
Ngoài ra, sông La Tinh cũng đáng kể, phát sinh từ Hội Sơn thuộc quận Phú Mỹ. Từ nguồn đến Vạn Ninh, sông tiếp nhận nhiều nguồn nước suối từ các ngọn núi và cũng tại đây tách làm hai nhánh là sông Con và sông Cái. Sông Con chảy qua Kiên Trinh, An Lương, An Xuyên rồi đổ vào đầm Đạm Thủy. Sông Cái chảy qua Phú Hội, An Mỹ, An Bình và cũng đổ vào đầm Đạm Thủy. Nguồn Vạn Ninh cách đầm Đạm Thủy khoảng 12 km (8 miles).
Bờ biển Bình Định dài 100 km (63 miles), gập ghềnh, có nhiều cửa biển như Thiện Chánh, Cà Công, Hà Rá, Phú Thứ, Đề Gi... Cảng Qui Nhơn là thương cảng quan trọng. Bình Định có hai mùa: mùa nắng từ tháng Hai đến tháng Chín, mùa mưa từ tháng Mười đến tháng Giêng thường có bão lụt. Hai quốc lộ 1, 19 và liên tỉnh lộ 6 là những đường giao thông quan trọng, nối liền Bình Định với những tỉnh khác. Tỉnh có hai phi trường ở Qui Nhơn và An Túc.
Bình Định có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như: tơ lụa, yến xào, tôm, cá, gỗ quí, trầm hương dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ.
PHÚ YÊN
Diện tích: 5.278 km2.
Dân số (2004): 813.472 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Tuy Hòa.
Các huyện: Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An, Sơn Hòa, Tuy Hòa, Sông Hinh.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Ê Đê, Ba Na...
Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Phía Bắc giáp Bình Định, phía Nam giáp Khánh Hòa, phía Tây giáp các tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có đồi núi, đồng bằng ven biển và hàng trăm km (hàng trăm miles) bờ biển đã tạo cho Phú Yên những cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nơi có núi dốc chạy dài ra sát biển chia cắt dải đồng bằng và tạo ra những đầm, vịnh nước lợ ven biển như vịnh Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Vũng Rô...
Địa hình Phú Yên có thể chia thành 2 khu vực lớn:
Vùng núi và bán sơn địa (phía Tây là sườn Đông của dãy Trường Sơn Nam): gồm các vùng huyện Sơn Hòa, sông Hinh, Đồng Xuân và phần phía Tây các huyện sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa. Là vùng núi non trùng điệp, song không cao lắm, có đỉnh Vọng Phu cao nhất.
Vùng đồng bằng: gồm các vùng thị xã Tuy Hoà, huyện Tuy An, sông Cầu, Tuy Hòa với cánh đồng lúa lớn của tỉnh.
Phú Yên có 3 sông chính: sông Ba (Đà Rằng), sông Kỳ Lô và sông Bàn Thạch. Chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên khí hậu Phú Yên nóng, ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm 26,5° C, cao nhất 39° C và thấp nhất 35,5° C. Lượng mưa trung bình năm 1.600 mm (63 in).
Thị xã Tuy Hòa ở cách Hà Nội 1.177 km (736 miles) và Sài Gòn 561 km (351 miles), nằm bên cửa sông Đà Rằng có cầu Đà Rằng 21 nhịp dài nhất miền Trung.
Phú Yên có nhiều di tích và điểm du lịch như núi Nhạn ở ngay trong lòng thị xã Tuy Hòa, soi bóng xuống dòng sông Đà Rằng. Từ thị xã Tuy Hòa, đi về phía Bắc, du khách có thể thăm sông Cầu, khu du lịch biển Long Thủy một vùng thiên nhiên mênh mông với dài 92 m (276 ft) Ô Loan nước trong vắt, các đảo ven bờ như hòn Chùa, Hòn Yến, bãi Tiên, Chùa đá trắng. Đi về phía Nam của Phú Yên là cảng Vũng Rô cách thị xã 25 km (16 miles), bãi Xếp, bãi Tiên, ghềnh Đá Đĩa... với những lớp đá xếp lên nhau. Về hướng Tây là khu rừng cấm Suối Trai, gò Thì Thùng nơi ghi lại chứng tích chiến trường của nhân dân Phú Yên, thác Valy và thượng nguồn sông Hinh, suối nước nóng Phước Long, suối Tiên. Những món ăn đặc sản như tôm, cua, cá, sò huyết, ốc nhẩy... của Phú Yên sẽ đem lại cho du khách những hương vị khó quên.
DAK LAK
Diện tích: 19.800 km2.
Dân số (2004): 1.958.712 người.
Tỉnh lỵ: thành phố Buôn Ma Thuột.
Các huyện: Ea H'leo, Ea Súp, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M'gar, Ea Kar, M'Đrắc, Krong Pắc, Cư Jút, Krông Ana, Krông Bông, Đắk Mil, Krông Nô, Lắk, Đắk R'Lấp, Đắk Nông, Đăk Soong.
Dân tộc: Việt (Kinh), Êđê, M'Nông, Nùng, Tày, Gia Rai...
Tỉnh Đắk Lắk nằm trên cao nguyên Đắk Lắk, một trong ba cao nguyên lớn của Tây Nguyên, độ cao trung bình từ 400 - 800 m (1,200 - 2,400 ft) so với mặt biển, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng và Bình Phước, phía Tây giáp Campuchia, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước. Vùng núi cao từ 1.000 - 1.200m (3,000 - 3,600 ft) chiếm 35% diện tích của tỉnh. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột cao 450m (1,350 ft), chiếm 53,5%, đất đỏ màu mỡ, khá bằng phẳng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Ngoài ra còn có đất trũng phù sa (12%) trồng lúa và đồng cỏ tự nhiên.
Rừng Đắk Lắk có trữ lượng gỗ dồi dào và nhiều động vật quí hiếm đặc biệt là đàn voi hơn 300 con tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắc, Đắk Mil. Đắk Lắk có hàng trăm đồn điền cà phê, cao su, ca cao, chè, hồ tiêu, mía... Đắk Lắk có 3 hệ thống sông chính: sông Ba, sông Pê Sê Pôk và sông Đồng Nai.
Thị xã Buôn Ma Thuộc ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên. Thị xã ở độ cao 536 m (1,608 ft). Khu vực này có đông đồng bào Êđê. Buôn Ma Thuộc cách Hà Nội 1.410 km (881 miles), cách Sài Gòn 628 km (393 miles). Giao thông phía Bắc thị xã có đường 14 đi Pleiku (195 km (122 miles)), đi Kon Tum (244 km (153 miles)), nối với Đà Nẵng và qua Bình Phước, Bình Dương đến Sài Gòn. Phía Nam thị xã có đường 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (156 km (98 miles)); phía Tây là đường đi Bản Đôn (42 km (miles)); phía Đông là đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km (26 miles)).
Đến Đắk Lắk du khách có thể đi thăm hàng chục ngọn thác hùng vĩ như thác Drây Sap, Diệu Thanh, Gia Long,... những hồ nước đẹp và thơ mộng như hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ Ea Kao; các khu rừng nguyên sinh - vườn quốc gia Yok Dôn, khu lâm viên Ea Kao, thăm Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, các di tích lịch sử như tháp chàm thế kỷ 13, biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại, hoặc tìm hiểu đời sống văn hóa các dân tộc ít người.
KHÁNH HÒA
Diện tích: 5.257 km2.
Dân số (2004): 1.061.262 người.
Tỉnh lỵ: thành phố Nha Trang.
Các huyện: Thị xã Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Trường Sa.
Dân tộc: Việt (Kinh), Ragiai, Êđê, Giẻ Triêng, Chăm...
Khánh Hòa là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có quần đảo Trường Sa nằm ở điểm cực Đông Việt Nam, nơi nhận được ánh sáng ban mai sớm nhất nước, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận.
Khánh Hòa là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có quần đảo Trường Sa nằm ở điểm cực Đông Việt Nam, nơi nhận được ánh sáng ban mai sớm nhất nước, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận. Địa hình Khánh Hòa thấp dần từ Tây sang Đông với những dang núi, đồi, đồng bằng, ven biển và hải đảo. Hai sông lớn nhất chảy qua tỉnh là sông Cái (đổ ra tại biển Nha Trang) và sông Dinh.
Bờ biển Khánh Hòa dài 200 km (125 miles), với trên 200 đảo lớn nhỏ. Trong đó huyện đảo Trường Sa quy tụ trên 100 đảo. Tỉnh có nhiều hải sản quý, đặc biệt là yến sào, sản lượng hàng năm trên 2,5 tấn. Khánh Hòa có 5 suối nước nóng với trữ lượng hàng triệu mét khối, có tác dụng chữa bệnh và khai thác nước uống.
Khí hậu Khánh Hòa vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm 26,5° C. Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.200 mm (47 in).
Khánh Hòa có nhiều cảng biển, trong đó có cảng Cam Ranh thuộc vào loại cảng biển tốt nhất thếgiới, có sân bay Nha Trang, sân bay Cam Ranh tiện lợi cho du khách đến Khánh Hòa. Nằm trên trục giao thông quan trọng quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt nối Khánh Hòa với các tỉnh miền Nam và miền Bắc quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Là tỉnh có cơ sở hạ tầng khá hơn nhiều địa phương trong vùng Nam Trung bộ, trong những năm 90, kinh tế Khánh Hòa có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều tỉnh trong cả nước. Sản xuất nông - công nghiệp phát triển tương đối toàn diện, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh cùng với đánh bắt cá ngoài khơi. Khánh Hòa có nhiều tài nguyên, trong đó chủ yếu là lâm sản (gỗ, kỳ nam, trầm hương), hải sản (cá, tôm...) và đặc biệt là yến sào.
Thành phố biển Nha Trang, một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với bãi tắm dài 7 km (4 miles), cùng hàng chục di tích, chùa chiền và nhiều phong cảnh đẹp. Vịnh Văn Phong, một di tích biển lý tưởng trong tương lai, hiện đang được nghiên cứu và quy hoạch. Ngoài ra hàng chục bãi tắm đẹp như Đại Lãnh, Dốc Lết,... cũng là tiềm năng du lịch to lớn của Khánh Hòa.
LÂM ĐỒNG
Diện tích: 9.7675 km2.
Dân số (2004): 1.059.508 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Đà Lạt.
Các huyện: Thị xã Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Dân tộc: Việt (Kinh), Cờ Ho, Mạ, Lạt ...
Tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1.500 m ( 4,500 ft) so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông Nam giáp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, phía Tây giáp các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Phía Bắc tỉnh là hai dãy núi đi song song từ Đông sang Tây, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.405 m (7,215 ft), Yang Bông cao 1.749 m (5,247 ft). Dãy núi phía Nam sát ngay Đà Lạt, có các đỉnh Đan Sê Na cao 1.950 m (5,850 ft), Lang Biang cao 2.163 m (6,489 ft), Hòn Nga cao 1.948 m (5,844 ft). Giữa hai dãy núi này là nơi bắt nguồn của các dòng sông Đa Dung chảy vào Đồng Nai, sông Cái chảy ra Nha Trang.
Phía Nam của hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trong đó có thành phố Đà Lạt ở độ cao 1.475 m (4,425 ft). Phía Đông và Nam tỉnh có cao nguyên nhỏ Di Linh cao 1.010 m (3,030 ft), khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà chảy vào Đồng Nai.
Các nhà khí hậu học gọi Đà Lạt là "thành phố của mùa Xuân", vì nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24 ° C và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15 ° C. Lượng mưa trung bình năm 1.755 mm (69 in). Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương ngàn sắc suốt quanh năm.
Từ thành phố Sài Gòn đi ôtô theo quốc lộ 20 chừng 300 km (188 miles) là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần và khi vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng, hoa và đồi cỏ.
Nếu đi theo đường 11 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vược qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đang hiện ra trước mắt.
Mặc dù mới được thành lập được hơn 100 năm từ năm 1893, nhưng Đà Lạt hôm nay đã trở thành địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta.
Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ xuân Hương, hồ than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn liền với một truyền thuyết xa xưa.
Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của các dân tộc từ các vùng Bắc, Trung, Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, Đông nhất là người Việt Nam, sau đó là C'ho, Mạ, Lạt, Srê, Chu ru,... Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu hiền hòa, thanh lịch, mến khách được nhiều người cảm nhận.
Du khách đến Đà Lạt vừa thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ,... nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.
Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc được lai tạo từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy... như hoa Hồng, hoa Bất Tử, hoa Đỗ Quyên, hoa Xác Pháo, hoa Tư Tưởng, hoa Trà Mi, Mimoza, Mai Anh Đào, Thủy Tiên trắng...
Khách sạn du lịch đầu tiên ở Đà Lạt được xây cất năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hotel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua từng ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa...
NINH THUẬN
Diện tích: 3.427 km2.
Dân số (2004): 537.759 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.
Các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Raglai, C'Ho, Hoa...
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, Bắc giáp Khánh Hòa, Tây giáp Lâm Đồng, Nam giáp Bình Thuận và Đông giáp biển Đông. Ninh Thuận được bao bọc 3 mặt là núi: phía Bắc và phía Nam tỉnh là 2 dãy núi cao nhô ra sát biển, phía Đông là vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng. Địa hình có 3 dạng: miền núi, đồng bằng, vùng ven biển. Tỉnh có 2 hệ thống sông chính: hệ thống Sông Cái, bao gồm các sông nhánh như sông Mê Lam, sông Sắt, sông Ông, sông La, sông Quao... và hệ thống các sông suối nhỏ phân bố ở phía Bắc và Nam tỉnh như sông Trâu, sông Bà Râu.
Ninh Thuận nằm trong khu vực có vùng khô hạn nhất nước, khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều bốc hơi mạnh và không có mùa đông. Nhiệt độ trung bình năm 27 ° C, lượng mưa trung bình 705 mm (28 in) và tăng dần theo độ cao lên đến 1.100 mm (43 in) ở vùng miền núi. Có 2 mùa là mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Thị xã Phan Rang nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường số 11 lên Đà Lạt. Phan Rang cách thành phố Nha Trang 105 km (66 miles), Đà Lạt 110 km (69 miles), thành phố Sài Gòn 350 km (219 miles) và Hà Nội 1.382 km ( miles).
Ninh Thuận đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: nho, thuốc lá, mía, đường, bông, hành, tỏi và nuôi trồng thủy sản. Ninh Thuận là một trong số các ngư trường lớn của nước ta.
Ninh Thuận là một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả. Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Ninh Thuận có những thắng cảnh: bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, thủy điện Đa Nhim và các di tích lịnh sử quí giá là các tháp Chàm: Pôklông Grai, Pôrômê, Hòa Lai,... hầu như còn nguyên vẹn. Đến thăm nơi đây du khách có thể tham gia nhiều loại hình du lịch: tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, săn bắn, tham quan các di tích lịch sử, hoặc tham dự các lễ hội của người Chăm.
BÌNH PHƯỚC
Diện tích: 6.796 km2 (1,655 square miles).
Dân số (01/04/1999): 653.644 người.
Tỉnh Lỵ: Thị xã Đồng Xoài.
Các huyện: Đồng Phú, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bình Long.
Dân tộc: Việt (Kinh), Xtiêng, Khmer, M’Nông...
Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam Bộ. Ở vào vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, phía Tây và Tây Bắc giáp Cam Pu Chia, phía Đông giáp các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, phía Tây giáp Tây Ninh.
Đây là tỉnh có nhiều rừng. Ở Đông Bắc có ngọn núi Bà Rá cao 733 m (2,199 ft) và dãy núi thấp quanh Lộc Ninh. Còn lại là rừng bạt ngàn. Rừng rậm nhưng đất khá bằng phẳng. Phần lớn là đất đỏ nên trồng cây công nghiệp rất tốt. Bình Phước là nơi có nhiều rừng cao su lớn, vườn cây cà phê, điều, tiêu...
Tỉnh có hai con sông chảy từ Bắc xuống Nam: phía Tây là sông Sài Gòn, phân giới giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, phía Đông là Sông Bé, có các nguồn từ phía Bắc tỉnh, đoạn dưới đi vào đất Biên Hòa, đổ vào sông Đồng Nai.
Khí hậu Bình Phước chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 4 đến tháng 11 năm sau. Phía Bắc nhiều rừng nên ẩm thấp hơn phía Nam, lượng mưa trung bình hàng năm 2.110 mm (83 in).
Giao thông đường bộ chính là đường 13, từ thành phố Sài Gòn đi Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Bến Cát (Bình Dương) rồi Chơn Thành và Hớn Quản (huyện Bình Long - Bình Phước) - Lộc Ninh và rẽ phía Tây 15 km (9 miles) đến biên giới. Đường 14 từ ngã tư Chơn Thành (huyện Bình Long - là đoạn cuối của đường 14) đi Đồng Xoài, rồi lên tiếp Buôn Mê Thuột. Ngoài ra còn có đường 77 từ Đồng Xoài về Thủ Dầu Một.
Thị xã Đồng Xoài là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước. Bình Phước là một nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử còn ít người biết đến. Đó là các Thác Mơ, núi Bà Rá, thác số 4, đồng cỏ Bàu Lạch
BÌNH THUẬN
Diện tích: 7.992 km2.
Dân số (2004): 1.122.804 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Phan Thiết.
Các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quí.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Cờ Ho, Chu Ru...
Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, phía Đông Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lâm Đồng, phía Tây giáp Đồng Nai, phía Tây Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu và phía Đông, phía Đông Nam giáp biển Đông.
Địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng: vùng núi rừng, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Bờ biển dài hơn 192 km (120 mlies) từ Mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná - Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu - Bà Rịa Vũng Tàu, có nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo nên các mũi: La Gàn, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né và Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm, vòm để tạo ra những vùng cửa biển tốt như: La Gàn - Phan Ri, Mũi Né - Phan Thiết, La Gi. Ngoài khơi có đảo Phú Quí rộng 23 km2 (9 square miles) là cầu nối giữa đất liền với quần đảo Trường Sa.
Các sông chảy qua tỉnh là sông La Ngà (từ cao nguyên Di Linh đổ xuống hồ Biển Lạc), sông Quao, sông Công, sông Dinh... Bình Thuận nằm trong vùng nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, khí hậu nóng, khô hạn. Nhiệt độ trung bình năm 26 - 27 ° C, lượng mưa trung bình năm 800 - 1.150 mm (32 - 45 in).
Là tỉnh có nhiều rừng, công nghiệp chế biến gỗ, chế biến hạt điều và sản xuất hàng thủ công là thế mạnh của tỉnh. Bình Thuận có bờ biển dài, ngoài khơi giàu hải sản như cá thu, nục, ngừ, cơm, mực. Kinh tếbiển phát triển về đánh bắt hải sản, sản xuất nước mắm, hải sản đông lạnh, làm muối.
Thành phố Phan Thiết cách Thành phố Sài Gòn 200 km (125 miles). Bình Thuận có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh. Nhiều bãi tắm cát trắng, nước trong xanh sạch sẽ cùng với những dãy núi trùng điệp, nối những bãi biển nên thơ bởi những dãy đồng bằng bát ngát. Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Cà Ná, Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương... đang được đầu tư để trở thành những khu văn hóa du lịch, thể thao với các loại hình tắm biển, câu cá, du thuyền, săn bắn và chơi golf.
Tuesday, March 17, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment