Hà Tây
Diện tích: 2192,96 km2.
Dân số (2004): 2.406.770 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Hà Đông.
Các huyện: Thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Dân tộc: Việt (Kinh), Mường, Dao...
Tỉnh Hà Tây thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, phía Đông giáp Hà Nội, Hưng Yên, phía Nam giáp Hà Nam. Địa hình của tỉnh tương đối đa dạng bao gồm đồi, núi và đồng bằng. Do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu Hà Tây có nhiều tiểu vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt độ trung bình năm khoảng 23,8° C. Vùng gò đồi có nhiệt độ trung bình 23,5° C, khí hậu lục địa chịu ảnh hưởng của gió Lào. Vùng Ba Vì có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 18° C. Hà Tây có nhiều hồ lớn và đẹp. Giao thông đường bộ, đường thủy, đều thuận tiện.
Tỉnh này được cấu tạo do đất phù sa bồi đắp bởi ba giòng sông lớn là Hồng Hà, Hắc Giang và Lô Giang. Sông Hồng Hà chảy suốt tỉnh theo hướng Tây Bắc-Đông Nam; gần Việt Trì có hai sông nhánh chảy vào là sông Hắc Giang và Lô Giang. Phía hữu ngạn sông Hồng Hà, những giòng suối bắt nguồn từ núi Ba Vì hợp lại thành sông Tích Giang (còn gọi là sông Con) chảy qua toàn vùng này. Sông Đáy (còn gọi là Hắc Giang) chảy ven ranh giới phía Đông tỉnh.
Núi Ba Vì cao nhất tỉnh 1.280 m (3,840 ft), thành hình do một biến động địa chất thời đệ nhất nguyên đại chạy theo hướng Bắc-Nam và mọc lan ra nhiều đồi nhỏ; các đồi núi này điều là đá lẫn phiến nham thạch phiến, ma nham hoặc đá đen. Huyện Quốc Oai có một dãy núi đá vôi lớn ăn lan một mặt về phía sông Đáy, về mặt kia về phía sông Hắc Giang. Đá hoa Phủ Quốc của dãy núi này rất đẹp. Đất đai bên tả ngạn sông Hắc Giang tạo thành bởi những băng phiến nham thạch lẫn mi ca biến động địa chất cấu tạo núi Ba Vì sau đó tạo thành những đồi núi đá lửa khá cao như núi Địa Chông.
HẢI DƯƠNG
Diện tích: 1.661 Km2.
Dân số (2004): 1.685.179 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Hải Dương.
Các huyện: Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Sán Dìu, Tày...
Hình thế Hải Dương gồm hai miền: Miền đồi núi phía Bắc với dãy Đông Triều làm ranh giới với tỉnh Bắc Giang, cấu tạo bởi những chi nhánh cuối cùng của các dãy núi từ Vân Nam và Quảng Tây ăn lan sang. Miền đồng bằng phía Nam do đất phù sa của sông Thái Bình bồi lên, có nhiều sông ngòi chảy qua. Đa số núi ở Hải Dương đều thấp, ngọn Yên Phụ chỉ cao 195 m (585 ft).
Sông Thái Bình chảy suốt tỉnh từ Tây Bắc đến Đông Nam, do các sông Cầu, sông Thương tạo nên ở Phả Lại, tiếp nhận sông Đuống ở hữu ngạn rồi tự chia làm hai nhánh, nhánh chính giữ nguyên tên là Thái Bình, nhánh phụ chảy theo chân dãy Đông Triều gọi là sông Kinh Môn, gần ra tới biển đổi tên là sông Kinh Thầy. Một đoạn sông được gọi là sông Lục Đầu vì là nơi tiếp giáp của sáu con sông: sông Lục Nam, sông Thương, sông Đuống, sông Thái Bình và sông Kinh Môn. Sông Thái Bình điều hòa mực nước sông Hồng Hà, đặc biệt là không cần phải có đê.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23° C. Địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng. Giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt tương đối thuận lợi.
Hải Dương là một tỉnh có tiềm năng du lịch dồi dào. Hải Dương, một miền đất trù phú có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có di tích thắng cảnh Côn Sơn - Kiếp Bạc được nhiều người biết đến.
HÒA BÌNH
Diện tích: 4.749 km2.
Dân số (2004): 772.437 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Hòa Bình.
Các huyện gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy.
Dân tộc: Việt (Kinh), Mường, Thái, Tày, H'Mông, Dao.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ tây bắc của thủ đô Hà Nội, cách Hà Nội khoảng 70 km (43.8 miles) về phía tây theo quốc lộ 6. Phía bắc giáp Phú Thọ và Hà Tây, phía nam giáp Ninh Bình và Thanh Hóa, phía đông giáp Hà Tây và Hà Nam, phía tây giáp Sơn La.
Về hình thể Hòa Bình gồm nhiều dãy núi đá cách nhau bởi những giòng sông. Những ngọn núi cao đáng kể là núi Pu Canh 1.373 m (4,119 ft), núi Vua Bà 1.050 m (3,150 ft), núi Viên Nam 1.029 m (3087 ft), các núi nhỏ khác như núi Kho, núi Lát, núi Pha Lương. Khí hậu nóng ẩm, mưa theo mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22,9 - 25° C. Giao thông đường bộ, đường sông thuận tiện.
Sông chính có Hắc Giang (sông Đà), phát nguyên từ Sơn La rồi vào Hòa Bình, tạo một khúc quanh ở chợ Bờ, vòng ngược lên hướng Bắc, qua Phương Lâm. Ba Vì rồi nhập vào sông Hồng Hà ở Hưng Hóa. Một số sông nhỏ đáng kể là sông Chum, sông Nham (hai chi lưu của Hắc Giang); sông Chu, sông Cái (hai chi lưu của sông Chảy), sông Quế, sông Nam Lát...
Hắc Giang chia tỉnh Hòa Bình thành hai khu địa chất khác nhau bởi cấu trúc của các tầng đất đá. Vùng rừng núi có nhiều di tích của nền văn hóa Hòa Bình vào thời đồ đá giữa và mới. Tại các hang động như hang Đồng Nội, hang Tùng, hang Hào..., còn để lại một số vật dụng cổ xưa như những lưỡi dao, lưỡi rìu bằng đá mài đẽo thô sơ, những mảnh xương, vỏ ốc, đồ gốm để lại nơi nấu nướng (thời đồ đá giữa) và trên vách hang động khắc hình người và thú vật (như hang Đồng Nội) vào thời đồ đá mài.
Hòa Bình là một vùng đất cổ, giàu tiềm năng du lịch. Đây là một trong những tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên, hang động, nhiều bản làng dân tộc rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
HƯNG YÊN
Diện tích: 923,3 km2.
Dân số (2004): 1.109.705 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Hưng Yên.
Các huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Sán Dìu, Tày...
Hưng Yên là tỉnh ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, phía bắc giáp Bắc Ninh, phía đông giáp Hải Dương, phía đông nam giáp Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Hà Tây và Hà Nội, phía nam và tây nam giáp Hà Nam.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa, mùa nóng từ tháng Năm đến tháng Chín và mùa lạnh bắt đầu từ tháng Mười Một đến tháng ba. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23° C. Tháng nào cũng mưa, nhiều nhất từ tháng năm đến tháng tám. Địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng. Sông hồ chảy trên địa bàn của tỉnh nhiều vì vậy giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt đều thuận lợi.
Dù ở xa biển nhưng Hưng Yên có nhiều sông rạch. Bốn sông chính là: Sông Hồng Hà ở phía Tây, phân ranh giới với tỉnh Hà Nam; sông Luộc ở phía Nam; phân ranh giới với tỉnh Thái Bình; sông Đào và sông Cửu Yên ở phía Đông, phân ranh với tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, sông Hoan Ái chảy ở giữa tỉnh cùng với sông Cửu Yên chia các sông rạch thành ba vùng riêng biệt: Vùng đất cao gồm các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm và Yên Mỹ. Vùng trung bình gồm các huyện Khoái Châu, Kim Động và Ân Thi. Vùng đất thấp gồm hai huyện Tiên Lữ và Phù Cừ.
Hưng Yên có di tích Phố Hiến, là một thương cảng sầm uất từ thế kỷ 17. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo như chùa Kim Chung, đình Nam Hiến... đặc biệt có nhãn lồng là loại cây đặc sản nổi tiếng, từng được là quả quí để tiến vua.
HẢI PHÒNG
Diện tích: 1507,6 km2.
Dân số (2004): 1.721.407 người.
Thành phố Hải Phòng hiện có 5 quận, 8 huyện và 1 thị xã như sau:
Năm quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Hải An
Tám huyện: An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Dương,
Một thị xã Đồ Sơn
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa.
Thành phố Hải Phòng nằm trên hữu ngạn sông cửa Cấm, là một hải cảng lớn miền Bắc, ngày xưa có tên là bến giáp làng Lạc Viên, phía Nam giáp các làng Hành Kinh, Gia Viễn, An Dương và Lạc Viên, phía Tây giáp làng Hạ Lý, Hải Phòng cách thành phố Hà Nội 106 km (66 miles) về hướng đông. Phố xá Hải Phòng tương đối rộng rãi, xây theo hướng nam bắc đông tây, nhà cửa san sát nhau.
Khí hậu Hải Phòng tốt nhờ gió biển, cuối mùa đông và đầu mùa xuân có mưa phùn, gió tây bắc thổi mạnh trong hai tháng cuối và tháng giêng. Gió mùa hạ thổi hướng đông nam và phía Đông tạo những trận mưa và bão. Mùa bão thường có từ tháng sáu đến tháng chín. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23.8° C.
Hải Phòng có nhiều đường giao thông rất quan trọng, ngoài quốc lộ 5, hai liên tỉnh lộ 10 và 14, Hải Phòng có các dòng sông và đường biển có thể đi đến nhiều tỉnh và thành phố lớn trong nước.
Với di chỉ khảo cổ Cái Bèo (Cát Bà) chứng tỏ mảnh đất này cách đây trên 6000 năm đã có người sinh sống. Hiện nay, Hải Phòng còn giữ được nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều đền, chùa, lăng miếu, sinh hoạt văn hóa dân tộc trên từng làng xã.
Hải Phòng là một cảng biển lớn nằm trên đường hàng hải quốc tế Đông - Tây, Bắc - Nam. Hàng trăm năm nay người Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đã đến đây buôn bán.
Hải Phòng thực sự là một trung tâm thương mại, một thành phố công nghiệp lâu đời, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống các đường giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không, phục vụ việc giao lưu hàng hóa và hành khách cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam, một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, cho cả nước và quốc tế.
Nằm trong tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng - vịnh Hạ Long. Hải Phòng có khu nghỉ mát với những bãi biển lượn quanh bán đảo Đồ Sơn, vươn ra biển đông tới 5 km (3 miles). Từ nhiều năm nay, Đồ Sơn đã trở thành một khu nghỉ mát và giải trí nổi tiếng trong nước và quốc tế. Hiện nay Đồ Sơn đang được xây dựng thành trung tâm du lịch và giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế.
Từ Đồ Sơn bằng tàu biển cao tốc, du khách có thể tới thăm đảo và vườn quốc gia Cát Bà, thăm vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long. Quần đảo đá vôi Cát Bà, nằm kề bên vịnh Hạ Long với hàng trăm núi, đảo lớn nhỏ mọc giữa biển cả. Đảo chính Cát Bà có vườn quốc gia, những vạt rừng nguyên sinh nhiệt đới tồn trữ nhiều loại cây rừng và thú hiếm, những dãy núi đá vôi hùng vĩ mang trong lòng nhiều hang động kỳ thú, những bãi tắm thiên tạo, nước biển trong xanh xen kẽ những vùng biển tĩnh lặng nằm giữa các đảo đá, những suối đầu nguồn trên các dốc núi và cả hồ trên núi. Xa xa là đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh Bắc Bộ
HÀ NAM
Diện tích: 862,66 km2.
Dân số (2004): 801.618 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Phủ Lý.
Các huyện gồm: Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Tày...
Địa thế Hà Nam chia làm hai phần rõ rệt ở hai phía sông Đáy: Từ tả ngạn sông Đáy đến sông Hồng Hà là đồng bằng do phù sa bù lên, ngoại trừ huyện Thanh Liêm có dãy núi nhỏ là Thiên Kiện cao 139 m (417 ft) và tả ngạn sông Phủ Lý có hai núi Đại Sơn cao tới 72 m (216 ft), và Đọi Điệp cao 29 m (87 ft). Từ tả ngạn sông Đáy đến phía Tây là núi xen lẫn những thung lũng phì nhiêu.
Sông Hồng Hà và sông Đáy là hai sông chính của Hà Nam. Hồng Hà được dùng làm ranh giới giữa Hà Nam với hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Sông Đáy chảy suốt tỉnh từ Bắc xuống Nam. Hai sông chính ăn thông nhau bởi sông đào Phủ Lý. Tỉnh còn nhiều sông con, thuyền bè đi qua rất tiện.
Khí hậu nhiệt đới, chia làm hai mùa: mùa khô từ tháng 11 năm trước cho tới tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 cho tới tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23° C.
Giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy đều thuận lợi. Thị xã Phủ Lý cách Hà Nội khoảng 60 km (37.5 miles), nằm trên tuyến đường giao thông sắt - bộ Bắc Nam.
Tỉnh Hà Nam có nhiều tài năng về trồng cây lương thực, cây hoa màu. Hà Nam là địa phương có nền văn hiến lâu đời. Trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, thị xã đã bị san phẳng tới ba lần. Ngày nay, thị xã Phủ Lý là trung tâm văn hóa , chính trị, kinh tế của tỉnh. Tỉnh tuy nhỏ nhưng có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như Núi Cấm, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn, động Cấm Khả Phong...
THÁI BÌNH
Diện tích: 1.519,9 km2.
Dân số (2004): 1.814.712 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Thái Bình.
Các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải.
Dân tộc: Chủ yếu là dân tộc Việt (Kinh).
Ba con sông lớn nhất chảy qua tỉnh là sông Hồng Hà, sông Luộc và sông Trà Lý. Sông Hồng Hà dùng làm ranh giới giữa tỉnh này với các tỉnh Hà Nam và Nam Định; lòng sông rộng từ 500 đến 1.000 m (3000 ft) và chảy ra cửa Ba Lạt. Dòng sông chảy rất mạnh từ sông Luộc đến sông Trà Lý. Từ ngã ba sông Trà Lý trở xuống cho đến sông Liêm Giang, dòng sông đã bớt mạnh vì nước đã được chia bớt cho hai sông Luộc và Nam Định. Phía tả ngạn sông Hồng Hà có ba chi lưu: Sông Bồng Khê, La Khê và sông Lạc Đạo ăn với sông Trà Lý. Từ sông Liêm Giang ra biển, sông Hồng Hà không còn đê, đập giữ nước và có rất nhiều con rạch ăn thông với sông. Ở quãng này, sông Hồng Hà có bốn chi lưu: Liêm Giang, Lộc Giang, sông Lan và sông Đông Giang.
Sông Luộc là ranh giới giữa tỉnh Thái Bình với các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, chảy ven tỉnh trên một đoạn đường dài 50 km (31.3 miles); và có các sông nhánh: sông Tiền Hưng (có vài sông nhánh nhỏ là Trinh Xuyên, Cổ Quan, Văn Giáng, Nguyên Xá, Do Kỵ, Cổ Khúc và lạch Bình Cách), sông Đan Hội, sông Quỳnh Côi, sông Diêm Hộ, sông Hóa (có một sông nhánh phía hữu ngạn là sông Ninh Cù).
Sông Trà Lý dài 63 km (39.4 miles), lòng sông rộng từ 100 đến 200 m (600 ft), có các sông nhánh là Bồng Khê, La Khê, Lạc Đạo, Liêm Giang, Long Hậu, Ngu Dung, Thượng Hộ, và sông Lan cũng là sông quan trọng của Thái Bình, thuyền bè lưu thông rất dễ dàng.
Thái Bình chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 - 24° C. Mùa đông thường ấm hơn so vơi các tỉnh nằm sâu trong đất liền. Mùa hè nóng nhưng có gió biển mát mẻ. Giao thông thuận lợi đặc biệt là giao thông đường thủy.
NAM ĐỊNH
Diện tích: 1.669,36 kilomét vuông.
Dân số (2004): 1 916 405 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Nam Định.
Các huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Dân tộc: Việt (Kinh), Tày, Hoa...
Nam Định là tỉnh ở phía Nam châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình và Hà Nam, phía Tây và Tây Nam giáp Ninh Bình, phía Đông và Nam giáp biển Đông. Trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của tỉnh là thành phố Nam Định, cách Hà Nội 90 km (56 miles).
Tỉnh Nam Định là tỉnh có bờ biển dài 72 km (45 miles), nối tiếp với hai cửa biển và hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đáy, vì vậy Nam Định có một tầm quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch.
Địa hình của tỉnh chủ yếu là vùng đồng bằng chiêm trũng, vùng đồng bằng ven biển, bãi bồi cồn cát lượn sóng. Ngoài ra, còn có vùng đồi núi và nửa đồi núi. Tỉnh có 3 hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và nhiều sông nhỏ khác giúp cho giao thông đường thủy rất thuận lợi. Hệ thống đường bộ, đường sắt tương đối phát triển.
Đất đai có độ phì nhiêu cao thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Dọc bờ biển có tới 5 cửa sông, có rất nhiều bãi cá lớn, có 2 cảng lớn là cảng sông Nam Định và cảng biển Hải Thịnh.
Khí hậu nhiệt đới chia 2 mùa: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23° C.
Nam Định là tỉnh có tiềm năng về trồng cây lương thực, kinh tế biển, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Trên thềm lục địa bờ biển Nam Định còn có nhiều khả năng khai thác các nguồn tài nguyên quý giá khác.
Nam Định là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Những di tích lịch sử của tỉnh đồng thời là danh lam thắng cảnh. Đến Nam Định, du khách sẽ có dịp đến thăm khu di tích đời Trần, chùa Tháp Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, Phủ Giày,...
Vùng biển của tỉnh có bãi tắm Thịnh Long, sân chim cồn Lu, cồn Ngạn, nơi quy tụ nhiều loại chim hiếm đã được các nhà sinh học nổi tiếng về đây nghiên cứu.
NINH BÌNH
Diện tích: 1.402,7 km2.
Dân số (2004): 891.081 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Ninh Bình.
Các huyện: Thị xã Tam Điệp; huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn.
Dân tộc: Kinh (Việt), Mường, Thái, H'Mông, Dao...
Địa thế Ninh Bình gồm hai khu khác hẳn nhau: khu phía Đông là đồng bằng phù sa, có huyện Yên Khánh. Khu phía Nam và Tây là đồi núi, có huyện Nho Quan. Ở khu phía Nam và Tây này có hai dãi núi Tam Điệp (Ba Dội), một dãy núi đá vôi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ tỉnh Hòa Bình ra đến biển và chia làm ba đợt: đợt một nằm trong địa phận tỉnh Ninh Bình, đợt hai là ngọn cao nhất nằm ở ranh giới Ninh Bình - Thanh Hóa và đợt ba nằm trong tỉnh Thanh Hóa. Dãy núi Tam Điệp có chiều cao như đèo Tam Điệp (là nơi quốc lộ số 1 đi qua), đèo Đồng Giao, đèo Quán Các, đèo Chỉnh Đại... Khu đồng bằng có nhiều ngọn núi đá vôi đơn độc cao từ 50 tới 100 m (300 ft), như núi Thúy, Cánh Diều, Hồi Hạc...; những núi bất thường này tạo nên vùng cầm tú mang danh là "Vịnh Hạ Long trên đất liền".
Về phía Nam và Đông - Nam, tỉnh Ninh Bình ăn lan ra bờ biển; vùng phía Nam sông Đáy, mỗi năm phù sa lại bồi thêm ra biển, mở rộng đất đai. Là một nhánh của sông Hồng, sông Đáy là sông lớn nhất của Ninh Bình. Các sông khác chảy qua tỉnh là sông Nho Quan, Hoàng Giang và Chính Đại. Ninh Bình có nhiều sông nhỏ ở gần miền biển, giữ vai trò hữu ích là tháo bớt nước trong mùa nước lớn tránh nạn lụt lội. Sông Chính Đại (thuộc huyện Yên Mõ) có cửa Thần Phù, đây là nơi quân Chiêm Thành đổ bộ thủy quân đánh bất ngờ và chiếm được thành Thăng Long năm 1377 (đời vua Trần Duệ Tông). Trước đây, cửa biển Thần Phù có gió to sóng lớn, nên dân gian có câu:
Lên đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Đây cũng là nơi nhiều con sông hội tụ, con kinh từ sông Hồng qua sông Mã, sông Vân Sàng và sông Đáy đổ nước vào cửa Chính Đại. Giờ thì đất bồi ra biển khá nhiều nên cửa Thần Phù đã không còn gây cảm giác ghê sợ như xưa.
Khí hậu của tỉnh thuộc vùng tiểu khí hậu của đồng bằng sông Hồng. Nhiệt độ trung bình năm là 23,4° C. Thời tiết trong năm chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.
Ninh Bình là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng, động Tiên, động Hoa Sơn... Vườn quốc gia Cúc Phương nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú đặc biệt là cây chò 1.000 năm tuổi. Mảnh đất này từ xa xưa đã là kinh đô của nước Đại Cồ Việt (tên của Việt Nam xưa) từ năm 968 đến năm 1010. Vì vậy vùng đất này có di tích lịch sử như cố đô Hoa Lư, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, chùa non nước... Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những tuyến du lịch rất hấp dẫn khách trong và ngoài nước.
THANH HÓA
Diện tích: 11.168 km2.
Dân số (2004): 3.792.482 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Thanh Hóa.
Các huyện: 2 thị xã: Sầm Sơn và Bỉm Sơn; các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành, Ngọc Lạc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia.
Dân tộc: Việt (Kinh), Mường, Thái, Lào, Lự.
Đất đai Thanh Hóa ít đồng bằng nhưng nhiều rừng núi, chia tỉnh thành từng vùng. Núi rải rác khắp nơi, độ cao từ 200 đến 1.300 m (3,900 ft). Những dãy núi đáng kể: dãy núi Tam Điệp chạy dài phía Bắc, giáp ranh giới với Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định; dãy núi Pu Luông phía Tây, dãy núi Quỳnh Lưu phía Nam. Phía Đông có núi Lau, Ba Làng. Ngoài ra những núi: núi Ái, Hùng Lĩnh, Bù Me 700 m (2,100 ft), Bù Bưa 1.280 m (3,840 ft), Bù Bang, Bù Mun 719 m (2,157 ft), Bù Tam 357 m (1,071 ft), Bát Non Sơn, Sơn Trang, Hỏa Châu, Đá Chẹt, Bọm, Voi, Các, Văn Liên, Lom Dong, Thông Lim, Liên Xá, Ngọc Sơn, Tuân Thiềm, Hậu Thạch, Thiết Giáp, Thần Đầu, Bản A, Xuân Đài, Tam Thai, Diệu, Kim Sơn, Mai Sơn, Độc Cước, An Hoạch, Khế...
Tỉnh có khoảng 20 sông rạch chảy từ hướng Tây - Bắc xuống Đông - Nam và trên 200 suối. Sông chính là sông Mã dài 380 km (237.5 miles), phát nguyên từ dãy núi Pu Va, chảy ngang tỉnh rồi ra cửa biển Hội Trào khá lớn 1.800 m (5,400 ft). Sông Lường (sông Chu) dài 135 km (84.4 miles) chảy từ Sầm Nứa bên Lào về Thanh Hóa. Ngoài ra là các sông Chang, sông Bười, sông Cây Gang, sông Đằng... Những cửa biển quan trọng là Hội Trào, Ba Làng, Y Bích, Bạng.
Bờ biển Thanh Hóa dài khoảng 98 km (61.3 miles), chạy từ Yên Sơn (Nga Sơn) đến núi Xước (Nghệ An). Bờ biển này thấp và phẳng vì tiếp giáp với các đồng bằng. Tuy nhiên, bờ biển cũng có vài nơi lởm chởm với những dãy đá ngầm. Ngoài khơi biển Thanh Hóa có một số đảo nhỏ như hòn Nẹ ở phía Nam Nga Sơn, hòn Nghi Sơn trên có núi Biện Sơn cao 162 m (486 ft). Phía Đông hòn Nghi Sơn là quần đảo hòn Mê với các hòn Vang, hòn Vát, hòn Bong, hòn Gác, hòn Đó.
Khí hậu thuộc vùng chuyển tiếp giữa Bắc bộ và Trung bộ. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 - 24° C. Nằm ở độ cao không lớn lại nằm kề biển nên mùa đông không lạnh lắm, mùa hè dịu mát hơn. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều thuận lợi.
Một số nơi ở Đông Sơn, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hậu Lộc đã có những vết tích của các thời kỳ đồ đá cũ sơ khai, đồ đá giữa, đồ đá mới, đồng thau sơ khai và những vết tích thuộc nền văn hóa Đông Sơn cuối thời đại đồ đồng. Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 1 là những đường giao thông quan trọng nối Thanh Hóa với các tỉnh lân cận.
NGHỆ AN
Diện tích: 16.371 km2.
Dân số (2004): 2.994.731 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Vinh.
Các huyện: Thị xã Cửa Lò và 17 huyện: Diễn Châu, Huỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quì Hợp, Quì Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khơ mú, Ơ đu, Thổ, Sán Dìu, H'Mông...
Nghệ An là một tỉnh lớn ở phía Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp Thanh Hóa, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp Hà Tĩnh. Địa hình của tỉnh Nghệ An bao gồm núi, đồi và thung lũng, độ dốc thoải dần từ tây bắc xuống đông nam. Hệ thống sông ngòi dày đặc, quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua tỉnh dài hơn 94 km (58.8 miles). Bờ biển dài 82 km (51.3 miles), có Cửa Lò là cảnh biển quan trọng của miền Trung. Tỉnh có sân bay Vinh, có đường biên giới với Lào dài 419 km (262 miles). Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều thuận lợi.
Địa thế Nghệ An nhìn ra biển Đông và lưng tựa Trường Sơn khắp tỉnh là rừng núi, sông ngòi ít đồng bằng. Từ sông cả kéo tới Keo Nứa (thuộc Hà Tĩnh), dọc theo phía Tây, toàn sa điệp thạch phủ lên những lớp đá vôi, thỉnh thoảng trồi lên những khối hoa cương. Ở đây có ngọn Phu saileng cao nhất tỉnh 2.711 m (8,133 ft). Những núi đáng kể khác là Phou Hautt 2452 m (7,356 ft), Bu cat xa 1095m (3,285 ft), Phou co 769 m (2,307 ft), Bù Đen 751 m (2,253 ft), Phou Han 1322 m (3,966 ft), Phouei Tang 1398 m (4,194 ft), Phu loong 1295m (3,885 ft), Phu can 949 m (2,847 ft), và Phu lon 1570 m (4,710 ft); những núi thấp như: núi Mông Gà cao 398 m (1,194 ft), Rú Đại Can 528 m (1,584 ft), Rú Đại Vạc 431 m (1,293 ft), núi Quyết, núi Gươm, Phu Vang 489 m (1,467 ft), núi Rong, núi Cuông (núi Mộ Dạ)...
Sông cả là sông chính của tỉnh, đoạn dưới gọi là sông Lam, vòng qua huyện Cửa Rào rồi xuống tây nam ra cửa Hội, dài hơn 300 km (188 miles). Những sông khác là sông Con, sông Nam Tiếp, sông Khé Thơ, sông Giang, sông Trai, sông Kênh Gai, sông cương, sông Hoàng Mai, sông Cửa Rô, sông Hiếu... Sông ở đây thường nhỏ nhưng hạ lưu rộng. Các cửa biển quan trọng là cửa Hội và cửa Lò. Những đảo nhỏ nằm ngoài biển là hàn Niêu (hòn Ngư), hòn Mát, hòn Tuần...
Nghệ An là tỉnh nằm trong vùng chuyển tiếp khí hậu nên khí hậu vừa mang tính đông lạnh của miền Bắc, vừa mang tính nắng nóng của miền Nam. Nhiệt độ trung bình năm từ 23 - 24° C. Mùa mưa bắt đầu tháng chín đến tháng tư, tháng năm còn nước lụt. Thường hay lụt bất ngờ vì núi dốc, nhưng nước rút cũng nhanh. Bão hay đến vào tháng tám, chín, mười. Mùa xuân ấm áp hai tháng đầu, từ tháng ba có gió Đông Nam ở vùng đồng bằng. Đầu tháng năm cũng hay bị lụt. Các tháng sáu, bảy có gió tây nóng khô.
Tuesday, March 17, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment