ĐỒNG NAI
Diện tích: 5.862,37 km2.
Dân số (2004): 2.078.209 người.
Tỉnh lỵ: thành phố Biên Hòa.
Các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vỉnh Cửu, Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Xtiêng, Êđê, Chơ Ro, Khmer, Chăm, Mạ...
Đồng Nai là tỉnh miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ phía đông Sài Gòn, phía bắc giáp Lâm Đồng, phía đông giáp Bình Thuận, phía tây giáp Bình Dương, Bình Phước và Sài Gòn, phía nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu. Thành phố Biên Hòa cách Sài Gòn 28 km (18 miles) và cách Hà Nội 1.695 km (1,059 miles).
Tỉnh Đồng Nai nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và một nhánh là sông La Ngà. Địa hình Đồng Nai gồm một số thung lũng, đồng bằng, gò, đồi thấp, tuy nhiên phần đất tiếp giáp với cao nguyên Lâm Viên và Di Linh thì tương đối cao. Phần lớn đất ở Đồng Nai là đất Bazan, đất xám và đất phù sa cũ rất tốt cho việc trồng trọt. Bởi vậy Đồng Nai trồng nhiều cây công nghiệp cây cao su, cà phê..., cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày.
Khí hậu: có 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 4 đến tháng 11 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 25,4 ° C đến 27,2 ° C. Là tỉnh có sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Lá Buông chảy qua, nhà máy thủy điện Trị An.
Giao thông: đường bộ chính là quốc lộ 1, từ Hà Nội vào. Quốc lộ 20 từ Biên Hòa lên Lâm Đồng, quốc lộ 51 Đồng Nai đi Bà Rịa Vũng Tàu. Đường sắt tuyến Bắc Nam đi qua thành phố Biên Hòa đến thành phố Sài Gòn.
Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của khu vực miền Nam, chỉ sau Sài Gòn. Xung quanh thành phố Biên Hòa có nhiều khu công nghiệp rộng lớn, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty. Đồng Nai có nhiều nghề thủ công. Đồ gốm sứ Đồng Nai đẹp có tiếng trong nước.
Đồng Nai có những rừng cao su, cà phê bạt ngàn. Rừng cấm Nam Cát Tiên có khu rừng nguyên sinh rộng lớn. Đến Đồng Nai du khách có thể tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, cũng như săn bắn, du thuyền, câu cá trên sông Đồng Nai, dã ngoại các thắng cảnh: Hồ Long Ẩn, khu văn hóa Suối Tre, thác Trị An, rừng Mã Đà... nghiên cứu các di tích khảo cổ: mộ cổ hàng Gòn, đàn đá Bình Đá...
BÌNH DƯƠNG
Diện tích: 2.695,54 km2.
Dân số (2004): 843.738 người. Trong đó có hơn 68.000 người thuộc các dân tộc ít người như: Stiêng, Khmer, Tày.
Tỉnh lỵ: thị xã Thủ Dầu Một.
Các huyện: Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Phú Giáo, Thuận An, Dĩ An.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Stiêng, Hoa, Tày.
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nước Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai (với sông Đồng Nai làm ranh giới), phía Nam giáp Thành Phố Sài Gòn, phía Tây giáp huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh và thành phố Sài Gòn. Thị xã Thủ Dầu Một cách Thành Phố Sài Gòn 30 km về hướng Bắc.
Địa thế trong tỉnh toàn bình nguyên và đồi thấp, chỉ có núi Ông cao 281 thước là đáng kể.
Sông ngòi: Có ba sông lớn là Đồng Nai, Sài Gòn và Sông Bé, nhiều kênh rạch, sông con, ghe thuyền đi lại thuận tiện.
Khí hậu Bình Dương giống như đa số các tỉnh miền Nam, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười Một, mùa khô từ tháng Mười Hai đến tháng Tư. Nhiệt độ trung bình hàng năm: 27 ° C. Lượng mưa trung bình hàng năm: 2.300mm.
Đường bộ: Tuyến quốc lộ 13, xuyên suốt từ Bắc đến Nam của tỉnh, nhiều đường liên tỉnh nối liền các đường giao thông thuận tiện và an toàn. Phi trường của tỉnh ở An Mỹ.
Có những ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gốm, sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ...
Có nhiều cụm kinh tế, kỹ nghệ về cây cao su đã hình thành và phát triển gần 100 năm nay.
TÂY NINH
Diện tích: 4.028,12 km2.
Dân số (2004): 1.023.707 người.
Tỉnh lỵ: thị xã Tây Ninh.
Các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm và Khmer.
Tây Ninh là tỉnh biên giới của miền đông Nam Bộ, phía bắc giáp 3 tỉnh của Campuchia với đường biên giới dài 240 km (150 miles), phía đông là tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía nam giáp thành phố Sài Gòn và Long An. Tỉnh có hai cửa khẩu quốc gia là Mộc Bài và Sa Mát.
Phía bắc tỉnh, từ thị xã Tây Ninh trở lên nhiều rừng núi, trong đó núi Bà Đen cao 986 m (2,958 ft). Phía nam, đất khá bằng phẳng, gần như đồng bằng, có hai con sông lớn chảy qua là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn được chặn lại tạo nên hồ Dầu Tiếng công trình thủy lợi lớn nhất nước, tưới tiêu cho 17.500 ha đất nông nghiệp.
Tây Ninh là nơi tiếp giáp vùng núi cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền đất cao của Nam Bộ. Phần lớn là đất đỏ và đất xám, rất tốt cho việc trồng trọt, nhất là trồng rừng và cây công nghiệp.
Tây Ninh có khí hậu nóng ấm, ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 26 ° C đến 27 ° C, lượng mưa trung bình cả năm từ 1.400 đến 2.000 mm (54 đến 78 in). Có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Thị xã Tây Ninh cách thành phố Sài Gòn 99 km (64 miles). Quốc lộ 22A từ thành phố qua Trảng Bàng, Gò Dầu tới cửa khẩu Mộc Bài. Quốc lộ 22B từ Gò Dầu qua thị xã Tây Ninh đi cửa khẩu Sa Mát.
Tây Ninh giữ vị trí nối giữa Sài Gòn và thủ đô Phnôm Pêng (Campuchia), Tây Ninh là địa bàn chiến lược về kinh tế và quốc phòng. Ngày xưa đây là đất Phù Nam. Sau đó thuộc phủ Gia Định (thời nhà Nguyễn). Năm 1936 đặc phủ Tây Ninh gồm có hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa, sau đổi thành tỉnh Tây Ninh.
BÀ RỊA
Diện tích: 2006,7 km2.
Dân số (2004): 845.762 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Vũng Tàu.
Các huyện: Thị xã Bà Rịa; các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành, Long Đất, Côn Đảo.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer.
Bà Rịa -Vũng Tàu giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp Tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, giáp huyện Cần Giờ của Sài Gòn ở phía Tây, còn lại phía Nam và Đông Nam giáp biển. Địa hình của tỉnh bao gồm núi, đồi, đồng bằng nhỏ và các đồi cát, dải cát chạy vòng theo bờ biển. Đất Châu Thành là vùng phù sa cũ, ít dốc. Hai huyện Long Đất, Xuyên Mộc là vùng đồng bằng và đồi núi ven biển.
Bà Rịa -Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm 27 ° C, ít gió bão, giàu ánh nắng. Bà Rịa -Vũng Tàu có chiều dài bờ biển phần đất liền 100 km (60 miles, trong đó 72 km (45 miles) là bãi cát có thể sử dụng làm bãi tắm). Thềm lục địa tỉnh tiếp giáp với quần đảo Trường Sa, nơi đây chứa đựng hai loại tài nguyên cực kỳ quan trọng là dầu mỏ và hải sản.
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều hồ chứa nước loại lớn như Kim Long, Đá Đen, Đá Bàn, Châu Pha, Sông Soài, Lồ Ô, Suối Giàu... Nhiều sông như sông Ray, sông Bà Đáp, sông Đông..., và có trên 200 con suối, đặc biệt suối nước nóng Bình Châu nóng 80 ° C là một tài nguyên nước khoáng quí.
Thành phố Vũng Tàu có bốn ngọn núi chính: Núi Hòn Sụp cao 250 thước, núi Tương Kỳ (còn gọi là núi Lớn) cao 249 thước, núi Vũng Mây cao 240 thước và núi Tao Phùng (còn gọi là núi Nhỏ) cao 170 thước. Ngoài hai ngọn núi kể trên cấu tạo bởi 521 mẫu đá, phần đất còn lại của Vũng Tàu được cấu tạo bởi một lớp cát thật sâu, dù đào giếng sâu tới đâu cũng chỉ thấy toàn là cát. Phần nhiều nước giếng đều có chất phèn, muốn uống phải qua hệ thống lọc.
Thành phố Vũng Tàu có một dãy đồi cát nằm song song với bãi biển ở hướng Đông - Nam (tức bãi Thùy Vân), chạy từ chân núi Tao Phùng đến cửa Lấp với chiều dài khoảng 10 cây số. Đồi cát cao nhất là 32 thước nằm trong phường Thắng Nhứt, đồi thấp nhất cao bốn thước ở phường Thắng Tam. Những hàng dương liễu được trồng dọc theo các dãy đồi cát theo bờ biển vừa làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên vừa để cản bớt các trận gió biển từ hướng Đông Nam thổi cát lấn vào đồng bằng, giúp cho hoa màu trồng trọt trên đất liền đỡ bị thiệt hại. Ngoài ra, còn vài đồi cát nằm rải rác giữa khu phố Thắng Nhứt và Phước Thắng.
Sông lớn nhất của thành phố là sông Dinh, dài 11 cây số, nằm về phía Tây Bắc. Phía Đông Bắc có rạch Cây Khế dài sáu cây số. Rạch bà nằm chính giữa thành phố, làm ranh giới của hai khu phố Thắng Nhứt và Phước Thắng, dài gần 8 cây số. Tại khu phố Thắng Nhì, phía Nam cù lao Bến Đình có rạch Bến Đình. Về phía Đông khu phố Phước Thắng, nơi cửa Lấp, có ba con rạch dẫn nước vào thành phố là rạch Suối Nước, rạch Sông Cái và rạch Ông Năm.
Thành phố có nhiều bưng sen khá lớn (bưng là vùng đầm lầy nước đọng, đất ít cát hoặc không có cát), rộng 406 mẫu, chạy dài từ chân núi Tao Phùng thuộc khu phố Thắng Tam đến trung tâm khu phố Thắng Nhứt và kể từ đó, các bưng sen này được nối tiếp bởi rừng bần chạy đến rạch Cây Khế.
Bờ biển Vũng Tàu có các núi Nghình Phong, mũi Đá và nhiều bãi biển nổi tiếng như: bãi Thùy Vân (bãi Sau), bãi Thùy Dương (bãi hàng Dừa, bãi Trước), bãi Phương Thảo (bãi Dâu), bãi Hương Phong (bãi Dứa), bãi Vọng Nguyệt (bãi Ô Quắn ở mũi Nghinh Phong) và bãi Lăng Du. Từ bãi Vọng Nguyệt nhìn ra bờ biển có hòn Bồng Đảo (hòn Bà). Vũng Tàu là cửa ngõ trước khi vào vũng Gành Rai.
Vũng Tàu là một trung tâm du lịch lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa quần thể thiên nhiên biển, núi cùng kiến trúc đô thị và các công trình văn hóa như tượng đài, chùa chiền, nhà thờ v.v... tạo cho Vũng Tàu có ưu thế của thành phố du lịch biển tuyệt đẹp, đầy quyến rũ. Vũng Tàu không có mùa đông, do vậy các khu nghỉ mát có thể hoạt động quanh năm.
Vũng Tàu có nhiều bãi biển đẹp như bãi sau (Thùy Vân), bãi trước (Tầm Dương), bãi dâu (Phương Thảo), bãi dứa (Hương Phong),... và nhiều di tích, thắng cảnh như Hải Đăng trên núi Nhỏ, núi Lớn, Bạch Dinh, Niết Bàn Tịnh Xá, Thích Ca Phật Đài, nhà lớn Long Sơn... đã thu hút nhiều khách. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 4 khu vực có tiềm năng lớn trong sự nghiệp phát triển du lịch:
- Thành phố Vũng Tàu hiện nay là một trong mười trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
- Vùng rừng quốc gia Côn Đảo.
- Bờ biển Long Hải và vùng núi Minh Đạm.
- Vùng rừng nguyên sinh Bình Châu, Phước Bửu và suối nước khoáng nóng Bình Châu. Ở đây, du khách có thể bách bộ, leo núi, tắm biển, vui chơi giải trí.
SÀI GÒN
Diện tích: 2.985 km2.
Dân số (2004): 5.385.454 người.
Các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân.
Các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Lãnh thổ thành phố Sài Gòn có tọa độ địa lý 10 độ 22'13" - 11 độ 22'17" vĩ độ bắc và 160 độ 01'25" - 107 độ 01'10" kinh độ đông. Trung tâm thành phố cách Hà Nội 1.730 km (1081 miles) đường chim bay. Thành phố có 15 km (9 miles) bờ biển.
Thành phố Sài Gòn được thành lập trên một vùng đất có nhiều sông ngòi, kinh rạch và phát triển thành một đô thị lớn nhưng vẫn còn dấu vết của sông ngòi cũ, qua những địa danh đã trở thành quen thuộc.
Sông chính của thành phố là sông Sài Gòn, chảy qua tỉnh Bình Dương xuống Gia Định, rồi chảy sát phía Đông làm ranh giới với tỉnh. Những con sông và kinh rạch đáng kể là sông Thị Nghè (phụ lưu của sông Sài Gòn), kinh Đôi, kinh Hành Bàng, kinh Bến Nghé, rạch Cát, kinh Ruột Ngựa, (Mã Trường Giang) rạch Cầu Ông Lãnh, rạch Lò Gốm, rạch Cầu Kiệu, rạch Ông Buông, kinh Tàu Hủ...
Về nguồn gốc tên sông Thị Nghè, ta có hai tuyến khác nhau: Thứ nhất Bà Nguyễn Thị Khánh, con gái Khâm sai Nguyễn Cửu Vân (thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) và là vợ của ông Nghè làm thư ký trong dinh Phiên Trấn, cho xây mộy cây cầu dài bắt qua sông để chồng tiện đi làm việc và cũng để dân chúng sử dụng. Cầu nầy được dân gọi Bà Nghè, sau đổi thành Thị Nghè. Thứ hai bà Thị Nghè(vợ một ông Nghè) tổ chức các toán dân Pháp đánh quân Pháp. Khi giặc chiếm Sài Gòn, cho một tàu nhỏ đổ quân lên bờ liền bị nghĩa quân của Thị Nghè đánh dữ dội. Sau bà hy sinh trong một trận đánh. Dân chúng đặt tên sông, cầu và vùng Thị Nghè từ đó.
Kinh Tàu Hủ (còn gọi là kinh Chợ Lớn) và đường thủy vẫn quan trọng về giao thông và kinh tế, vì nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miền Tây. Xưa, vùng nầy còn có rạch Chợ Lớn nhưng quá nhỏ hẹp nên vua Gia Long cho 11.460 dân công đào kinh Tàu Hủ trong ba tháng và hoàn tất ngày 23 tháng Tư năm Kỷ Mảo (1819). Kinh dài độ năm cây số rưởi, rộng gần 37 thước, sâu khoảng 17 thước. Gia Long đặt tên kinh là An Thông Hạ. Kinh Ruột Ngựa do quan Nguyễn Hữu Đàm cho đào vào mùa Thu năm Nhâm Thìn (1772), phá một đường sình lầy để đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên gọi là "Mã Trường Giang", giúp cho thuyền bè đi lại được thuận lợi hơn.
Lúc đất Sài Gòn mới phát triển, có rất nhiều kinh rạch đào ngang dọc thành phố nhưng đã bị lấp từ lâu để làm đường xá như kinh Sa Ngư (sau lấp lại thành đường Nguyễn Huệ, kinh Cây Cầm, (chạy trên đường Lê Thánh Tông), kinh Chợ Vải (chạy tới mặt tiền Toà Đô Chính). rạch Cầu Sấu (xưa có hầm nuôi cá sấu để bán thịt, rạch chạy đến hai đường Công Lý và Hàm Nghi), rạch Bà Tịnh (chạy đến đường Võ Tánh)... Vì thế, Sài Gòn có rất nhiều cầu xưa cũ như cầu Cao Miên (cầu Bông), cầu Muối , cầu Ông Lãnh, cầu Mống, cầu Quây, cầu Kho, cầu Quan, cầu Thị Nghè, cầu Xóm Chỉ, cầu Chợ Lớn, cầu Chà Và, cầu Xóm Củi, cầu Ông Lớn (xưa dân chúng không được gọi tên thật của Việt gian Đỗ Hữu Phương), cầu Bót Bình Tây, cầu Ba Cẳng...
Khí hậu của thành phố Sài Gòn có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười, mùa khô từ tháng Mười Hai đến tháng Tư. Mưa nhiều vào tháng Sáu và tháng Chín, có gió Tây Nam thổi, Hai tháng nóng nhất là tháng Tư và tháng Tám, có gió Đông Bắc thổi. Tháng Mười Hai mát nhất, nhiệt độ trung bình hàng năm là 26.9 bách phân.
Các quốc lộ 1, 4, 13 và liên tỉnh lộ 5, 52 là những đường giao thông quan trọng nối Sài Gòn với các tỉnh khác. Phi trường của Sài Gòn là phi trường Tân Sơn Nhất, có những phi đạo lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.
LONG AN
Diện tích: 4.492 km2.
Dân số (2004): 1,376,602 người.
Tỉnh ly: Thị xã Tân An.
Các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer.
Cách Sài Gòn 47 km (30 miles), Long An là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp Tây Ninh và các nước Cam-Pu-Chia, phía Đông giáp Sài Gòn, phía Nam giáp Tiền Giang và phía Tây giáp Đồng Tháp.
Là một tỉnh nông nghiệp, đất Long An màu mỡ trải ra trên hai triền sông của hai con sông lớn sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Ở phía Bắc tỉnh có một số gò, đồi thấp, còn lại thì bằng phẳng. Phần đất phía Tây thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười.
Long An có một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền nhau, chia cắt địa bàn tỉnh thành nhiều vùng. Thực ra Long An chưa phải là đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ là đồng bằng sông Vàm Cỏ giữa hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long.
Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, hai mùa mưa và khô rõ rệt nhiệt độ trung bình 27,4 ° C, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình 1.620 mm/năm (64 in/năm). Long An đông dân chủ yếu là người Việt (Kinh) và đồng bào gốc Khmer ở phía Tây tỉnh. Long An có 4 tôn giáo được đông người theo là Phật, Kitô, đạo Cao Đài và đạo Tin Lành.
ĐỒNG THÁP
Diện tích: 3.238 km2.
Dân số (2004): 1.667.579 người.
Tỉnh lỵ: thị xã Cao Lãnh.
Các huyện: thị xã Sa Đéc; huyện: Tân Hồng, Hồng Ngư, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Hoa, Chăm.
Đồng Tháp thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, phía Bắc giáp CamPuChia, phía Nam giáp Vĩnh Long, phía Tây giáp An Giang và Cần Thơ, phía Đông giáp Long An và Tiền Giang.
Tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều ao hồ lớn. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) chảy qua tỉnh với chiều dài 132 km (82 miles). Dọc theo hai bờ sông Tiền là hệ thống kênh rạch dọc ngang. Đường liên tỉnh giao lưu thuận tiện với trên 300 km (187 miles, đường bộ) và một mạng lưới sông rạch thông thương.
Thị xã Cao Lãnh cách quốc lộ 1A 36 km (22 miles), cách thành phố Sài Gòn 162km (101 miles). Nằm trên bờ sông Cao Lãnh (một nhánh nhỏ của sông Tiền tách ra sau 16 km (10 miles) lại chảy vào sông Tiền), ở ngay sát Đồng Tháp Mười mênh mông, từ xa xưa Cao Lãnh đã là một độ thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của Đồng Tháp.
"Cao Lãnh" bắt nguồn từ hai chữ "Câu Đương", là tên một nhân vật gốc Quảng Nam di cư vào Nam theo đợt chiêu mộ của chưởng dinh Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Câu Đương tên thật là Đỗ Công Tường tự Lãnh, đến lập nghiệp ở phủ Tân Thành, lập một ngôi chợ và làm chủ. Vì thế dân gọi tắt là chợ "Câu Lãnh", sau đọc trại ra "Cao Lãnh". Phần lớn đất đai phía Đông tỉnh Đồng Tháp là đầm lầy, rừng tràm rộng lớn. Xưa vùng này rất hiểm yếu, thường là căn cứ kháng chiến chống quân Pháp.
Sông chính của tỉnh Tiền Giang, vốn từ sông Cửu Long ở CamPuChia chảy xuống. Kinh rạch chạy khắp tỉnh và là hệ thống giao thông tiện lợi. Các kinh rạch quan trọng gồm: sông Sở Thượng, sông Sở Hạ, kinh Phước Xuyên, kinh Tháp Mười, kinh Cái Bào, kinh Tư Mới, kinh Xáng An Long (kinh Đồng Tiến)... Những cù lao lớn như cù lao Tây, cù lao Hộ...
Khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5. Vào mùa mưa, nước sông Cửu Long đổ từ nguồn xuống mang theo phù sa, nước sông dâng lên ngập cả ruộng đồng, đem phù sa bồi đắp thêm màu mỡ, nhưng gây trở ngại cho một số sinh hoạt bình thường vì mực nước dâng cao, nhất là trong khu vực Đồng Tháp Mười, mực nước dâng từ nữa thước đến hai thước rưỡi.
Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Ở đây có giống lúa nổi, một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10 thu hoạch mà không cần chăm bón.
Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm.
TIỀN GIANG
Diện tích: 2.339 km2.
Dân số (2004): 1.701.047 người.
Tỉnh lỵ: thành phố Mỹ Tho.
Các huyện: thị xã Gò Công; huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông.
Dân tộc: Việt, Hoa...
Tiền Giang là phần đất của hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công cũ, phía bắc giáp Long An, phía tây giáp với Đồng Tháp, phía đông tiếp giáp với cửa Soài Rạp và biển Đông, phía nam giáp Bến Tre. Thị xã Mỹ Tho cách thành phố Sài Gòn 70 km (44 miles).
Khí hậu Tiền Giang chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, nhiệt độ trung bình năm 27 ° C, lượng mưa trung bình 2.300 mm/năm (91 in/năm). Các sông chính: sông Tiền, Gò Công, Bảo Định và một mạng lưới kênh đào thuận lợi cho giao thông đường thủy. Từ Tiền Giang có thể đi Sài Gòn hoặc sang Phnôm Pênh bằng đường sông. Đường bộ chính của Tiền Giang là quốc lộ 4, chạy xuyên qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Là tỉnh đồng bằng, địa hình Tiền Giang chia thành ba vùng rõ rệt: vùng cây trái ven sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ven biển Gò Công. Tiền Giang có 32 km (20 miles) đường biển, hàng năm đánh bắt rất nhiều cá và hải sản; đất đai phì nhiêu, là một trong những vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang là nơi hội tụ đủ loại sản vật và hoa trái nổi tiếng như mận hồng đào Trung Lương, vú sữa Vinh Kim, xoài cát, cam sành, ổi sá lị Cái Bè... Tiền Giang có hệ thống khách sạn, nhà hàng đầy đủ tiện nghi, nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng của miệt vườn vùng sông nước Cửu Long.
BẾN TRE
Diện tích: 2.315 km2.
Dân số (2004): 1.398.874 người.
Tỉnh lỵ: thị xã Bến Tre.
Các huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mõ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Dân tộc: Việt (Kinh).
Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 60 km (38 miles). Phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh. Thị xã Bến Tre cách thành phố Sài Gòn 85 km (53 miles).
Bến Tre tên trước đây là Kiến Hòa. Bốn nhánh sông Tiền Giang là sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên chia đất Bến Tre ra làm cù lao Minh, cù lao Bảo, cù laoAn Hóa. Hai sông Hàm Luông và Bà Lai chảy suốt tỉnh rồi ra hai cửa biển cùng tên. Sông Mỹ Tho chia ranh giới phía bắc với tỉnh Tiền Giang rồi đổ ra cửa Đại. Sông Cổ Chiên làm ranh giới với tỉnh Trà Vinh rồi chảy ra hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.
Các sông rạch khác là sông Bến Tre, rạch Bàng Cùng, kinh Thêm, kinh Tân Hương, kinh Tiền Thủy, rạch Cầu Mây, rạch Vũng Luông... Bờ biển Bến Tre dài khoảng 60 cây số, rất thuận lợi cho việc đánh cá. Ngoài khơi có các đảo nhỏ như Cồn Lợi, Cồn Hồ... Bến Tre có bốn cửa biển của sông Cữu Long là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên.
Địa hình ở đây bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẻ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao bọc rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi. Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô.
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 ° C đến 27 ° C. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.250mm - 1.500 mm (49 in - 59 in). Là tỉnh có nhiều sông rạch, Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch xanh, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.
Bến Tre là vựa lớn của đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sản vật và hoa quả: lúa, ngô, khoai, dứa, chôm chôm, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng. Bến Tre giàu thủy sản với các loại: cá thiều, cá mối, cá cơm. Cây công nghiệp có dừa, thuốc lá, mía, bông. Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần 40.000 ha trồng dừa), nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn hàng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.
AN GIANG
Diện tích: 3.424 km2.
Dân số (2004): 2.108.039 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Long Xuyên.
Các huyện: Thị xã Châu Đốc, huyện Chợ Mới, An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Chăm, Hoa...
An Giang là một tỉnh miền Tây Nam bộ thuộc đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông và đông bắc An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp Cần Thơ, phía nam và tây nam giáp Kiên Giang, phía tây giáp Cam Pu Chia. Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một miền núi nhỏ, dài 30 km (19 miles), rộng 13 km (8 miles). Đó là đám bảy núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Phía tây tỉnh chạy song song với biên giới là kênh Vĩnh Tế, được đào năm 1823 nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên.
An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27 ° C, cao nhất từ 35 - 36 ° C vào tháng 4 và tháng 5, thấp nhất từ 20 - 21 ° C vào tháng 12 và tháng 1. Lượng mưa trung bình 1.400 - 1.500 mm (57 - 59 in), có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Hàng năm An Giang vẫn đón nhận con nước lũ khoảng từ 2,5 tháng đến 5 tháng và hình thành "mùa nước nổi".
An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (trên 2 triệu tấn), ngoài cây lúa còn trồng bắp, đậu nành và nuôi trồng thủy sản nước ngọt như cá, tôm... An Giang còn nỗi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc, mộc chợ Thủ, bánh phồng Phú Tân, khô bò và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.
Thành phố Long Xuyên trên hữu ngạn sông Hậu, cách Sài Gòn 189 km (118 miles), được hình thành vào đầu thế kỷ 19. An Giang được nhiều du khách biết đến với các danh lam thắng cảnh: Núi Sam, Chùa Bà Chúa Xứ, núi Cấm, hệ thống hang động Thủy Đài Sơn, Anh Vũ Sơn, Sơn Viên Cô Tô.
VĨNH LONG
Diện tích: 1.475 km2.
Dân số (2004): 1.049.736 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Vĩnh Long.
Các huyện: Long Hồ, Măng Thít, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Hoa.
Nằm trên đồng bằng châu thổ Cửu Long tỉnh Vĩnh Long không có núi, địa thế là đồng bằng do phù sa bù đắp. Hai con sông quan trọng là Tiền Giang và Hậu Giang.
Sông Tiền Giang đến An Thành chia làm hai nhánh, một nhánh chảy vào Vĩnh Long gọi là Cổ Chiên (ở đây có một số cù lao lớn như cù lao Dài, cù lao Tân Phong, cù lao An Thành), một nhánh chảy về phía Đông Nam vào hai tỉnh Định Tường và Kiền Hòa.
Sông Hậu Giang chảy hướng Tây Nam, chia ranh giới với tỉnh Phong Dinh (có cù lao Tân Ngãi, tức cù lao Mây, khá lớn). Ngoài ra còn có kinh rạch ngang dọc khắp tỉnh: đặc biệt có kinh đào Mang Thít chảy dài từ quận Minh Đức đến quận Trà Ôn, nối liền hai sông Tiền Giang và Hậu Giang, rút ngắn đường vận chuyển các loại nông sản từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn.
Khí hâu ở đây nóng ẩm, với hai mùa mưa, nắng rất rõ rệt. Mực nước lên cao từ tháng Năm đến tháng Bảy âm lịch (ca dao có câu "tháng Bảy nước chảy khỏi bờ" là vậy), và bắt đầu xuống từ tháng Tám cho đến tháng Mười âm lịch mới bình lại. Vì kinh rạch nhiều, nhất là nhờ hai con sông Tiền, sông Hậu nên rút ra biển rất nhanh, không bị lụt như ở Mỹ Tho và Kiến Phong.
Là tỉnh ở giữa đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long có đất đai màu mỡ do được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa hàng năm. Trồng trọt là một thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh cây lúa (90% diện tích đất trồng lúa), hàng năm người dân Vĩnh Long còn thu hoạch hàng trăm ngàn tấn trái cây như cam, nhãn, quít, bưởi, dừa... và chăn nuôi gia súc gia cầm.
TRÀ VINH
Diện tích: 2.226 km2.
Dân số (2004): 1.022.846 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Trà Vinh.
Các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Hoa.
Trà Vinh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Tây và Tây Bắc giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía Tây Nam giáp Sóc Trăng, phía Đông giáp biển Đông.
Đất Trà Vinh là một dải đồng bằng ven biển bao gồm vùng châu thổ được hình thành lâu đời và những vùng đất trẻ mới bồi. Độ cao trung bình từ 2 m (6 ft) đến 3 m (9 ft) so với mặt nước biển. Trà Vinh có hàng trăm gò, giồng đất và một mạng lưới sông rạch và kênh đào chằng chịt đã tưới tiêu và cung cấp phù sa cho cây trồng.
Tỉnh Trà Vinh không có núi chỉ toàn đồng bằng thấp và kinh rạch chảy khắp nơi. Hai sông chính của tỉnh là sông Cổ Chiên và Hậu Giang. Sông Cổ Chiên chảy dọc theo ranh giới với tỉnh Kiến Hòa, rồi chảy ra cửa Cung Hầu. Sông Hậu Giang cũng chảy dọc theo tỉnh phía Nam tỉnh Ba Xuyên và đổ ra cửa Định An. Các kinh rạch đáng kể khác là kinh Bà Liêu, rạch Ba Túc, rạch Tân Lập, kinh Láng Sắc, kinh Trà Ếch và một số kinh đào nhỏ.
Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nóng ẩm quanh năm, khí hậu chia hai mùa: mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười Một, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nền kinh tế của Trà Vinh chủ yếu là trồng lúa, đánh bắt hải sản, kinh tế vườn và nuôi tôm cá. Thị xã Trà Vinh xây trên bờ rạch Trà Vinh, cách bờ sông Tiền (Cổ Chiên) 3 km (2 miles).
Từ Trà Vinh đi Vĩnh Long 66 km (41 miles), đi Sài Gòn qua Bến Tre, Mỹ Tho là 110 km (69 miles). Thị xã Trà Vinh có nhiều chùa của đồng bào Khmer. Liên tỉnh lộ 7A, dài 50 cây số nối Vĩnh Bình với tỉnh lỵ Vĩnh Long và đi các tỉnh lân cận; các tỉnh lộ khác là 34, 35, 36, 37. Phi trường xây ở Phú Vĩnh và Long Toàn.
CẦN THƠ
Diện tích: 2.965 km2.
Dân số (2004): 1.121.141 người.
Thành phố Cần Thơ (Trực thuộc Trung ương) có 08 đơn vị hành chính:
04 Quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn)
04 huyện (Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt)
Dân tộc: Việt (Kinh), Khơmer, Hoa.
Cần Thơ nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa một mạng lưới kênh ngòi sông rạch. Cần Thơ tiếp giáp với 6 tỉnh: phía bắc giáp An Giang, Đồng Tháp, phía nam giáp Sóc Trăng, Bạc Liêu, phía tây giáp Kiên Giang, phía đông giáp Vỉnh Long.
Thành phố Cần Thơ không có núi mà chỉ toàn đồng bằng và sông rạch. Sông Hậu Giang rất quan trọng về kinh tế, có bến bắc Cần Thơ gần tỉnh lỵ là nơi tiếp nhận các tàu biển lớn. Kinh rạch trong tỉnh rất nhiều và tiện cho việc giao thông.
Phía bắc có kinh Xà No, kinh Cầu Sắc, kinh Thốt Nốt, kinh Thị Đôi, kinh Ô Môi, sông Cần Thơ. Phía nam có kinh Cái Lớn, kinh Long Mỹ, kinh Phụng Hiệp... Quận Phụng Hiệp ở giữa bảy con kinh, từ đây dân chúng có thể đi Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau, hoặc ra hai sông Tiền Giang, Hậu Giang đi lên Sài Gòn.
Quốc lộ 4 và liên tỉnh lộ 27 là trục giao thông đường bộ quan trọng nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận. Hai phi trường đặt ở Bình Thủy và Trà Nóc thuộc quận Châu Thành. Các tuyến đường lớn chạy qua tỉnh là quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91. Cần Thơ là trung tâm giao thông thủy bộ của cả vùng Nam Bộ, nối liền với Campuchia. Cần Thơ có bến cảng khá lớn tiếp nhận tàu 5.000 tấn.
Khí hậu nóng ẩm nhưng ôn hòa, có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Cần Thơ cách Sài Gòn 169 km (105 miles), từ xa xưa đã được coi là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, hiện nay là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu gạo chính của cả nước.
Với đất đai phì nhiêu, bên cạnh thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại. Cần Thơ còn có nguồn thủy sản khá phong phú chủ yếu là tôm, cá nước ngọt (hơn 5.000 ha ao đầm nuôi tôm, cá nước ngọt) và chăn nuôi: lợn, gà, vịt. Các ngành công nghiệp hiện có là điện năng (nhà máy điện Tà Nóc 33.000 KW); kỹ thuật điện, điện tử, hóa chất, may, da và chế biến nông sản, thủy sản là thế mạnh của tỉnh.
KIÊN GIANG
Diện tích: 6.253 km2.
Dân số (2004): 1.634.043 người.
Tỉnh lỵ: thị xã Rạch Giá.
Các huyện thị: thị xã Hà Tiên; huyện Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận.
Hai huyện đảo: Phú Quốc, Kiên Hải.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Hoa.
Kiên Giang là môt dải đất nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc, cách Sài Gòn 250 km (156 miles). Phía đông và đông nam của tỉnh Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang và Cần Thơ, phía nam giáp Cà Mau, phía bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 54 km (34 miles), ngoài ra còn có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ ngoài vịnh.
Trong tỉnh (phần đất liền), có nhiều núi thấp ở phía tây là núi Đại Tô Châu 178 m (234 ft), núi Hòn Sóc 187 (561 ft), Hòn Đất 260 (780 ft), Vân Sơn, Địa Tạng... Ngoài biển Kiên Giang có rất nhiều hòn đảo như hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chông, hòn Rai, hòn Mấu, hòn Nam Du, Minh Hoa, Kiên Giang, hòn Dọc, hòn Kinh Qui, hòn Ngang, hòn Heo, hòn Xưởng, hòn Vang, hòn Thơm, hòn Roi, hòn Dừa, hòn Nhạn...
Đặc biệt là đảo Phú Quốc rất lớn, diện tích 566 cây số vuông, dài 50 cây số, chỗ rộng nhất 29 cây số, có dãy núi Tà Lơn với các ngọn cao như Hàm Rồng 365 m (1,095 ft), núi Chúa 603 m (1,809 ft), núi Mắt Quỷ 360 m (1,080 ft).
Kiên Giang có một khu rừng ngập nước ở phía Nam (U Minh Thượng). Sông rạch trong tỉnh chi chít, phíc bắc có rạch Giang Thành, kinh Hà Tiên, kinh Ba Thê, các kinh Rạch Giá đi Long Xuyên và Thất Sơn, rạch Sỏi...; phía đông nam có kinh Cái Sắn, kinh Tân Hiệp, kinh Thốt Nốt, kinh Cán Gáo, sông Trèm Trẹm, các sông Cái Lớn, Cái Bé đổ ra cửa vũng Rạch Giá, và một số kinh mang số từ 1 đến 10. Bờ biển Kiên Giang có hai có hai vũng lớn là vũng Cây Dương và vũng Rạch Giá.
Nói chung, khí hậu Kiên Giang mát mẻ, nhưng khi gió biển, gió núi hoặc có bão đến cũng mang không khí lạnh cho tỉnh. Những liên tỉnh lộ số 8 và 12 là những đường giao thông quan trọng, nối Kiên Giang với các tỉnh lân cận. Ba phi trường chính đặt ở Hà Tiên, Rạch Giá và Dương Đông (thuộc đảo Phú Quốc).
Nghề chính của tỉnh là nghề nông, nhưng nghề cá cũng rất phát triển. Biển Kiên Giang có những bãi cá và luồng tôm rất lớn. Nhiều loại cá ngon: thu, chim, nhám, bạc má, chép, he, thiều. Kiên Giang còn nổi tiếng về nghề làm nước mắm.
SÓC TRĂNG
Diện tích: 3.223,30 km2.
Dân số (2004): 1.257.982 người.
Tỉnh lỵ: Thị xã Sóc Trăng.
Các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Ngã Năm.
Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Hoa.
Cách thành phố Sài Gòn 231 km (144 miles), thành phố Cần Thơ 60 km (38 miles), Sóc Trăng giáp với các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu và biển đông. Sóc Trăng có 72 km (45 miles) bờ biển, 30.000 ha bãi bồi, khí hậu mang tính chất khí hậu đại dương hai mùa: mùa mưa từ giữa tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm 26 độ- 28 độ C.
Sóc Trăng là tỉnh chủ yếu phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp 259.799 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm 94%, ngoài ra còn trồng bắp, đậu xanh, đậu nành, mít, dừa, hành tỏi (Vĩnh Châu) thơm ngon nổi tiếng và các vườn cây ăn trái như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, cam, quít... trên cù lao Mỹ Phước và đất liền Vĩnh Châu.
BẠC LIÊU
Diện tích: 2.485 km2 (971 square miles).
Dân số(01/04/1999): 736.325 người.
Tỉnh Lỵ: Thị xã Bạc Liêu. Các huyện: Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chàm.
Bạc Liêu là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nằm ở mảnh đất tận cùng của tổ quốc. Phía bắc giáp Sóc Trăng và Cần Thơ, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp Cà Mau và Kiên Giang.
Là vùng đất trẻ được khai mở vào cuối thế kỷ 17 và được phù sa bồi đắp, Bạc Liêu có nhiều cánh đồng lúa bao la. Do hành trình của dòng hải lưu bắc nam, phù sa dồn lại tạo thành những giồng đất cát, nơi đây cây ăn trái sum sê. Bạc Liêu nổi tiếng với những vườn nhãn dài hàng mấy chục km, mà hương vị của nó ít nơi nào sánh được.
Bạc Liêu không có núi mà chỉ có một số vồng đất cao bên đồng bằng thấp với nhiều kinh rạch chạy khắp tỉnh. Các kinh rạch quan trọng là kinh Cà Mau: Giá Rai, sông Cổ Cò, sông Gành Hào, kinh Quan Lộ - Phụng Hiệp, kinh Quan Lộ - Bạc Liêu, kinh Quan Lộ - Giá Rai, kinh Trèm - Hộ Phòng, kinh Gành Hào - Giá Rai, kinh Canh Dền - Quan Lộ, rạch Trà Niên...
Con kinh đào Cà Mau - Giá Rai quan trọng hơn cả, từ Cà Mau chảy suốt đến tận sông Vĩnh Lợi nối vào sông Cổ Cò, rồi chia làm hai nhánh, một nhánh rẽ lên Sóc Trăng, nhánh còn lại chảy ra cửa Mỹ Thanh. Đây là con kinh huyết mạch chuyên chở lúa gạo và hải sản từ Bạc Liêu lên Sài Gòn.
Thị xã Bạc Liêu được xây dựng bên rạch Bạc Liêu, cách biển 10 km (6 miles), là trung tâm lúa gạo và đầu mối giao lưu trong và ngoài tỉnh. Từ Bạc Liêu đi Sài Gòn 280 km (175 miles), đi Sóc Trăng 50 km (31 miles), đi Cà Mau 69 km (43 miles).
Đất đai Bạc Liêu màu mỡ, dân cư đông đúc, phần lớn sống bằng nghề trồng lúa, hoa mầu, cây ăn trái, đánh bắt hải sản và nghề làm muối. Khí hậu Bạc Liêu có hai mùa: Mùa khô từ tháng Mười Một đến tháng Chín, nhưng các tháng Tư và Năm thường có mưa; mùa mưa chính thức từ tháng năm đến tháng Mười.
Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xâu, tỉnh An Giang. Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam kỳ khác. Tiểu khu Bạc Liêu được hình thành từ cuối năm 1882 do thống đốc Le Mery de Villers ký nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng và Rạch Giá.
Ngày 20/12/1989, toàn quyền Paul Doumer đổi tiểu khu thành tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trong trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp. Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một nét đăïc thù riêng rất thú vị.
Nhà....Công Tử Bạc Liêu Lúc Xưa....Bây Giờ Là Khách Sản Bạc Liêu
CÀ MAU
Diện tích: 5.208,8 km2.
Dân số (2004): 1.191.829 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Cà Mau.
Các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.
Dân Tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm.
Cà Mau là tỉnh cực nam của tổ quốc, có 3 mặt giáp biển với 307 km (192 miles) bờ biển. Phía bắc giáp Kiên Giang, phía đông bắc giáp Bạc Liêu, phía đông và đông nam giáp biển đông, phía tây và tây nam giáp Vịnh Thái Lan.
Cà Mau là vùng đất mới bao gồm: đất phèn, đất mặn, đất than bùn và đất bãi bồi tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Cà Mau có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, 7 sông chính là sông Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Lớn, Gành Hào, Dầm Dơi, Trèm Trẹm, Bạch Ngưu tạo thành các cửa sông lớn. Ngoài biển Cà Mau còn có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối. Nhờ có bờ biển dài, khả năng đánh bắt cá tôm của Cà Mau rất lớn. Nơi đây phát triển nhiều hồ nuôi tôm.
Cà Mau nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, nóng ẩm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, các tháng khác ít mưa. Lượng mưa trung bình ở Cà Màu 2.500 mm/năm (99 in/năm). Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26 -27 ° C.
Giao thông: đường bộ số 4 từ Cần Thơ, Sóc Trăng xuống, qua Bạc Liêu (114 km (71 miles)), Cà Mau (180 km (112 miles)), từ Cà Mau đến Năm Căn (qua Cái Nước) 55 km (34 miles). Đường thứ 2 từ Cà Mau lên Rạch Giá 130 km (80 miles). Cà Mau có nhiều sông và mạng lưới kênh rạch chằng chịt nên đi lại và vận chuyển bằng ghe thuyền rất thuận tiện. Ngay trong rừng đước, rừng tràm, thuyền đi chỗ nào cũng được.
Vùng đất tận cùng của tổ quốc là một bức tranh hài hòa giữa rừng và biển, với một quần thể động thực vật phong phú, nhiều phong cảnh đẹp như cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, những sân chim tự nhiên như sân chim Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước, rừng tràm U Minh, rừng đước với nhiều loại động vật quí hiếm của khu sinh thái rừng ngập mặn như heo rừng, trăn, kỳ đà, khỉ. Ngoài ra Cà Mau còn có một số di tích lịch sử, văn hóa: động Nọc Nang, đình Tân Hưng
Tuesday, March 17, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment