Saturday, March 14, 2009

Việt Nam phản đối Trung Quốc và Philippines xâm phạm chủ quyền

Ðảo đá ngầm có tên quốc tế là Johnson Reef, trong quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm vào thập niên 1980 đã xây dựng xong pháo đài phòng thủ. (Hình: AFP)

Hà Nội (NV) - Chính quyền CSVN vừa lên tiếng phản đối cả Trung Quốc lẫn Phi Luật Tân khi hai quốc gia này có những hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”.

Trong tuần qua có nhiều diễn biến đáng chú ý liên quan đến biển Ðông và các quần đảo mà Việt Nam vẫn xác định thuộc chủ quyền của mình.

Phi Luật Tân ban hành đạo luật xác định chủ quyền với 7,100 đảo gồm cả quần đảo Trường Sa. Thủ Tướng Mã Lai Madawi đi thăm đảo Swallow Reef mà Việt Nam gọi là Ðá Hoa Lâu tại Trường Sa. Công ty du lịch Châu Giang tại đảo Hải Nam loan báo mở chuyến du lịch tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Tàu khảo cứu hải dương USNS Impeccable của Hoa Kỳ bị một số tàu của Trung Quốc ngăn chặn, khiêu khích ở phía Nam đảo Hải Nam.

Trước những hành động có tính chất “nắn gân” tổng thống mới ở Hoa Kỳ của Trung Quốc, Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ đã cử khu trục hạm USS Chung - Hon trang bị hỏa tiễn và thủy lôi đến hộ tống tàu USNS Impeccable. Còn trước các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ba quốc gia: Trung Quốc, Phi Luật Tân và Mã Lai, chính quyền CSVN chỉ đưa ra những lời phản đối suông giống như những lần trước.

Trong cuộc họp định kỳ diễn ra hàng tuần, Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, tuyên bố: “Tổng Thống Philippines Gloria Arroyo ký ban hành Luật đường cơ sở mới của Philippines, trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ của Philippines, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, làm phức tạp thêm tình hình, không phù hợp với tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông, đi ngược lại với xu thế hợp tác trong khu vực”. Lê Dũng kêu gọi: “Philippines có thái độ kiềm chế, không tiến hành những hành động tương tự, tránh làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Philippines.”

Ðối với Trung Quốc, Lê Dũng cho biết: “Việt Nam hết sức quan ngại và phản đối việc Trung Quốc cho phép công ty du lịch quốc tế Châu Giang mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên”.

Ðây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức du lịch tới Hoàng Sa. Ba năm trước, khi một công ty du lịch ở Việt Nam loan báo tổ chức tour du lịch tới Trường Sa, Trung Quốc đã phản đối và phía Việt Nam đã hủy tour này.

Trước những hành động xâm phạm tới chủ quyền lãnh thổ, chính quyền CSVN chỉ lập lại một tuyên bố đã được lập đi, lập lại nhiều lần: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động của các bên liên quan ở khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý”.

Tuy mới chiếm các đảo từ tay Việt Nam và Phi Luật Tân hồi thập niên 1980, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Mã Triều Húc vẫn ngang nhiên tuyên bố tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Các đảo Hoàng Nham và Nam Sa (tên Philippines là Kalayaan và bãi Scarborough) luôn luôn là lãnh thổ của Turng Quốc.” Mã nói thêm: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo này và bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của nước khác cũng là bất hợp pháp và vô giá trị.”

Trừ quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm năm 1974, quần đảo Trường Sa hiện đang có sự tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam với nhiều quốc gia (Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ðài Loan và Brunei).

Năm 2002, các quốc gia trong khu vực có tranh chấp đã cùng ký “Qui tắc ứng xử trên biển Ðông” nhằm tránh đụng độ quân sự. Liệu qui tắc này có được tôn trọng khi quốc gia nào cũng muốn tổ chức tìm kiếm và khai thác dầu mỏ dưới lòng biển ở khu vực có tranh chấp?

Các dữ liệu khảo cứu cho thấy vùng biển quanh quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Ðây là lý do chính để các quốc gia cùng muốn xác nhận chủ quyền ở khu vực chỉ gồm những đảo rất nhỏ và không có nước ngọt.

Tất cả các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông đều xây dựng cơ sở quân sự kiên cố tại những đảo mà họ đang chiếm. Ðài Loan xây phi trường ở đảo Thái bình (Itu Aba), hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Cựu tổng thống Ðài Loan Trần Thủy Biển từng tới đảo Thái Bình bằng phi cơ quân sự. Trung Quốc đã xây phi trường trên một hòn đảo của Hoàng Sa. Hàng năm, Trung Quốc tổ chức tập trận tại đây trong nhiều tuần lễ và cấm tàu bè lai vãng. Chính quyền CSVN cũng chỉ phản đối chiếu lệ.

Năm ngoái, Việt Nam, Trung Quốc cùng gia hạn một thỏa thuận khảo sát địa chất biển đông nhưng nay, cả ba không hề nhắc nhở gì tới thỏa thuận này. Ðiều đó cho thấy, các thỏa thuận chỉ giống như cho có.




Tatto Media

0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Post a Comment