ÐBSCL (NV) - Ðồng Bằng Sông Cửu Long, nơi có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28,000 km, đang lâm vào cảnh thiếu nước tưới, nước sinh hoạt.
Tờ Sài Gòn Tiếp Thị mô tả, trời nắng như đổ lửa nhưng nông dân ở xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp vẫn kiên nhẫn đào đất, xẻ một con mương. Gạt mồ hôi, ông Lê Văn Bé, chỉ tay xuống con kinh gần đó: “Nước dưới kinh cách mặt ruộng hơn ba thước, tụi tui phải đào con mương này, rồi đặt máy bơm chuyền hai ba chặng mới mong có nước tưới lúa”. Ðây là mùa khô thứ ba mà ông Bé cũng như nhiều nông dân khác phải bơm nước chuyền hai, ba chặng để tưới lúa. Chi phí bơm nước tưới tốn kém gấp đôi, gấp ba.
Hiện tại, mực nước trên sông, rạch, kinh thủy lợi ở nhiều nơi tại Ðồng Bằng Sông Cửu Long đã giảm hẳn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 5cm đến 7cm. Ông Lê Văn Tư, phó chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Ðồng Tháp, cho biết: “Muốn khắc phục tình trạng thiếu nước phải tiến hành nạo vét cùng lúc các kinh cấp hai và kinh nội đồng dài hàng trăm cây số, tỉnh gần như bó tay vì cần phải có một khoản tiền rất lớn”.
Tại An Giang, theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, từ đầu Tháng Ba, nông dân ở các huyện An Phú, Tân Châu phải bơm nước chuyền nhiều chặng để tưới lúa và hoa màu. Ông Ðỗ Vũ Hùng, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh An Giang, kể: “Tỉnh đang đầu tư khoảng hai mươi tỉ đồng để nạo vét khẩn cấp ba mươi tuyến kinh dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở các huyện đang bị thiếu nước tưới như: Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên”.
Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, trưởng khoa quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Ðại Học Cần Thơ, nhận định: Có hai nguyên nhân khiến Ðồng Bằng Sông Cửu Long thiếu nước tưới trầm trọng trong mùa khô. Ðó là sông Mekong bị cạn kiệt do các quốc gia trong lưu vực khai thác nguồn nước quá mức và việc xẻ kinh ngang dọc quá nhiều, xóa sổ các vùng trũng dẫn đến khô kiệt.
Ngoài nước tưới, nước sinh hoạt cũng đang thiếu trầm trọng. Tại nhiều địa phương tình trạng thi nhau khoan giếng, khai thác nước ngầm vô tội vạ để lấy nước sinh hoạt đang nở rộ. Các xã Ðông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Hiệp Ðức huyện Cai Lậy cùng thuộc tỉnh Tiền Giang, dù nằm sát sông Tiền nhưng nông dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan với giá từ 2,500 đồng-3,000đ/m3 để ăn uống.
Ông Lê Văn Tư phân bua: Nếu lấy nguồn nước mặt trên sông rạch để xử lý thành nước sạch, giá thành sẽ cao gấp hai, ba lần nước ngầm. Trong khi chờ kinh phí xây dựng nhà máy lọc nước, các địa phương đua nhau khoan giếng ngầm lấy nước... cho tiện.
Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Chiếm cảnh báo: “Các tầng nước ngầm ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long đang sụt giảm nghiêm trọng do khai thác vô tội vạ, đất đang sụt lún trên diện rộng”.
Tuần qua, báo chí Việt Nam cho biết, thời tiết ở miền Nam đột nhiên nóng dị thường. Trời nóng dị thường không chỉ phát sinh nhiều xáo trộn trong sinh hoạt và ảnh hưởng tới sức khỏe của dân chúng các tỉnh miền Nam Việt Nam mà còn làm mực nước ngầm ở nhiều khu vực sụt giảm nghiêm trọng.
Hồi giữa tuần, ông Lê Ngọc Ðỉnh, phó đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước 704, kể với tờ Tuổi Trẻ: Kết quả quan trắc mới nhất tại Ðắk Lắk cho thấy, từ đầu Tháng Hai đến nay, nguồn nước ngầm liên tục sụt giảm 1m-2m, có nơi đến gần 3m như phía Ðông thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Ðôn, Krông Buk, Krông Păk, Cư M'Gar... Những nơi mà nguồn nước ngầm tụt giảm mạnh đều là vùng mà “về cơ bản đã phá xong rừng” để trồng cà phê. Ðã có lúc, Ðăk Lắk có đến 270,000 héc ta cà phê, nay giảm xuống còn khoảng 180,000 héc ta, trong đó hơn một nửa phải tưới bằng nước ngầm vì nước mặt đã cạn.
Cùng thời điểm này, tờ Tiền Phong cho biết: Do khô hạn, lượng nước sạch cung cấp cho thành phố Ðà Lạt đã giảm 10 ngàn khối/ngày. Công ty cấp thoát nước Lâm Ðồng vừa thông báo sẽ chia Ðà Lạt thành hai khu vực và dựa vào đó để cấp nước theo ngày chẵn, ngày lẻ. Theo tờ Tiền Phong, hiện nay, nhu cầu về nước sạch của Ðà Lạt vào khoảng 40 ngàn khối/ngày nhưng “sản lượng nước của ba phân xưởng sản xuất nước sạch để cung cấp cho Ðà Lạt chỉ còn chừng 30 ngàn khối/ngày vì mực nước trong hai hồ (Ðankia và Chiến Thắng) chuyên cung cấp nước để lọc thành nước sạch đã tụt giảm đáng kể”. Công ty cấp thoát nước Lâm Ðồng bảo rằng, đã phải tổ chức vét hồ để có thêm nước nhưng không đủ. Cũng công ty này cho biết, sở dĩ thiếu nước là vì người Ðà Lạt dùng nước sạch để tưới rau. Trong thời gian vừa qua, mỗi ngày người Ðà Lạt dùng khoảng 10 ngàn khối nước để tưới rau mỗi ngày. Lượng nước này tương đương lượng nước đang thiếu hụt. Công ty cấp thoát nước Lâm Ðồng đang “vận động những người mua nước tưới rau thay đổi phương cách tưới”. (G.Ð.)
Monday, March 16, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment