Một trong hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm chết nhiều người xảy ra trong năm nay tại Việt Nam. (Hình: AFP)
Hà Nội (NV) - Ông Rob McInerney, giám đốc điều hành Chương trình đánh giá đường bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vừa cho biết, sẽ điều động các phương tiện hiện đại nhất để thẩm định 3,000 km quốc lộ có tỷ lệ rủi ro cao tại Việt Nam. Trong đó có 2,000 km từ Hà Nội tới Cần Thơ.
Chương trình đánh giá đường bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do Quỹ An Toàn Giao Thông Ðường Bộ Toàn Cầu của Ngân Hàng Thế Giới (WB) tài trợ. Chương trình đánh giá đường bộ toàn cầu đã được thực hiện ở khoảng 50 quốc gia và thẩm định trên 100,000 km quốc lộ.
Theo dự kiến, các chuyên gia quốc tế sẽ nghiên cứu 30 yếu tố liên quan đến các đặc điểm về thiết kế đường bộ tại Việt Nam nhằm xác định ảnh hưởng của chúng đến khả năng gây tai nạn (như: bố cục giao lộ, dấu hiệu và mặt cắt ngang đường, chướng ngại vật lề đường, các phương tiện cho xe hai bánh gắn máy và cung cấp những điểm đi bộ băng qua đường an toàn...).
Ông Rob McInerney cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến nghị nhằm cải tiến hệ thống đường bộ với chi phí hợp lý nhằm giảm đáng kể tử vong và chấn thương”. Ông Trần Doãn Thọ, một thứ trưởng của Bộ Giao Thông Vận Tải, nhận định: “Ðiều này sẽ giúp chúng tôi các giải pháp nhằm cải thiện mức độ an toàn của các cung đường có độ nguy hiểm cao”.
Ðến nay, tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam vẫn còn là một vấn nạn nan giải. Năm ngoái, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia của Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, trong năm 2008, tại Việt Nam đã xảy ra 11,522 vụ tai nạn giao thông làm chết 10,397 người và làm 7,413 người bị thương. So với năm 2007, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm khoảng 12.7% và số người bị thương đã giảm khoảng 24.8%.
Khoảng 94% trong số 11,522 vụ tai nạn giao thông của năm 2008 là tai nạn xảy ra trên đường bộ. Số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ chiếm 97% tổng số người chết.
Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia của Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông tự gây ra. Tai nạn do chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện cơ giới đường bộ chỉ chiếm 1% số vụ. Tai nạn vì kết cấu hạ tầng chỉ chiếm khoảng 1.8% số vụ.
Ủy ban này cảnh báo, tai nạn liên quan đến xe hai bánh gắn máy chiếm khoảng 74% tổng số vụ tai nạn giao thông. Thời điểm xảy ra tai nạn thường là ban đêm. Khoảng 43% vụ tai nạn giao thông xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm.
So với năm 2007, trong khi số vụ tai nạn giao thông đường bộ giảm thì tai nạn giao thông đường sắt tăng 62 vụ (18%) và tai nạn giao thông đường thủy tăng 25 vụ (12.2%).
Nếu tính theo địa phương, có 55 tỉnh, thành phố giảm được nhiều người chết về tai nạn giao thông nhất là Ðồng Nai (177 người), Sài Gòn (132 người), Hà Nội (110)... Ngược lại, có 6 tỉnh mà số người chết tăng lên cao hơn so với năm 2007, trong đó dẫn đầu là Bình Dương (thêm 72 người chết), Tiền Giang (thêm 27 người), Long An (thêm 26 người chết), Thái Nguyên (thêm 6 người chết), Cao Bằng và Lai Châu (mỗi tỉnh tăng thêm 3 người chết). (G.Ð.)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment