Trong một ngày lễ VN tại Trường Tiếng Việt Sài Gòn, “một cô gái Harvard” đã để lại ấn tượng cho nhiều người về hai lúm đồng tiền rất duyên cùng giọng hát cao vút, trong trẻo trong một bài hát tiếng Việt, dù hồi đó cô phát âm chưa chuẩn lắm.
Đó là Võ Thị Thiên Nga, cô gái Việt Kiều Mỹ, 20 tuổi, về Việt Nam học tiếng Việt.
Ban đầu, Thiên Nga học tiếng Việt chỉ đơn thuần vì muốn biết thêm một thứ tiếng, nhưng sau đó cô gái trẻ lại khám phá ra: điều này đang giúp cô lần lần tìm lại con người Việt của mình, mà bao năm qua cô mơ hồ và băn khoăn.
14 tuổi và 40.000 USD
14 tuổi, Thiên Nga trở thành thành viên điều hành Quỹ Hỗ trợ ý tưởng trẻ (Youth Funding Youth Ideas – YFYI).
Công việc của cô là “xét duyệt” các ý tưởng hay ho của các anh chị thanh thiếu thiên, giúp họ lên kế hoạch, xây dựng dự án và tìm nguồn vốn để thực hiện hóa ý tưởng.Mỗi dự án khi ấy lên đến cả 40.000 USD.
16 tuổi, Thiên Nga trở thành điều phối viên phát triển trong ban thành viên cao cấp của YFYI.
18 tuổi, với số điểm trung bình 3.87/4, Nga vượt qua hàng ngàn bạn đồng trang lứa khác trên thế giới, giành được một xuất học bổng vào ĐH Harvard (Cử nhân Xã hội học, khóa 2007 - 2011). Một trong những lý do Nga được chọn vì “tính độc lập của cô làm cô nổi bật so với những bạn khác”.
Nga quan niệm: “phải tự hỏi, tự tìm câu trả lời thì bản thân mới lớn lên được!”. Có lẽ vì vậy, cô thường hay… cãi lý và xung đột với cha mình. Khi đó, cô thường nói với cha: “con hiểu ý cha, nhưng con phải có kinh nghiệm thực tế cho riêng con, con mới hiểu được ý nghĩa đằng sau điều đó”.
Tính độc lập của Nga đã bộc lộ ngay từ năm cô bé 9 tuổi, khi tự mình chủ động liên hệ các nơi để kiếm chương trình học hè. “Hồi đó, mình rất muốn đi học hè nhưng thầy cô nói chương trình trường chỉ phụ đạo cho các bạn học chưa tốt” - Nga giải thích. Do hoàn cảnh gia đình, chuyện làm giấy tờ, thủ tục đi học và các việc khác trong giao tiếp bên ngoài cuộc sống, cô bé đều tự tay lo.
Học xong phổ thông, Nga quyết định một mình đeo ba lô chu du khắp châu Âu, vì “cảm thấy con người mình đang thiêu thiếu điều gì đó”. Thuyết phục cha mẹ xong, cô đi thật. Cứ hết tiền, cô gái trẻ lại kiếm việc làm để có tiền tiếp tục hành trình.
Nga mỉm cười: “Mình may mắn là cha mẹ không buộc phải làm này làm kia. Cha mẹ thường dạy nên học tốt để sau này không phải phụ thuộc vào ai”.
Vào Harvard, Nga nói với cha mẹ không nhận tiền từ gia đình nữa, mà tự đi làm để tự chi trả cho cuộc sống.
Cội nguồn trong tiếng Việt
Học được 1 năm rưỡi tại Harvard, Nga lại cảm thấy cần thêm môi trường mới để làm mới mình. Vậy là hè, quyết định về VN, tranh thủ học tiếng Việt theo chương trình học bổng CET. Cô không ngờ rằng, 6 tháng về VN học tiếng Việt đã lần lần giúp bản thân khám phá ra "con người Việt" của mình, mà bao năm qua cô mơ hồ và băn khoăn.
Lý do về VN học tiếng Việt, như lời Nga thú nhận, thì “không sâu sắc gì”. Chỉ là trong một lần nói chuyện, bạn bè cô đã tỏ rất ngạc nhiên khi biết Nga không biết tiếng Việt. Mỗi SV Harvard đều có một tài năng, đặc biệt đều biết nhiều ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Điều này làm cô gái trẻ… so sánh. Vậy là quyết định học tiếng Việt, do học tiếng Việt dễ hơn ngôn ngữ khác, vì nghe đã quen.
Tiếp xúc với Thiên Nga, điều khiến người đối diện "lạ lùng" nhất là khả năng ngôn ngữ của cô rất tốt.
Nga chia sẻ: cô được cha dạy tiếng Việt từ lúc 3 tuổi. Cô bé đã có thể đọc sách những năm sau đó, cho đến khi sang Mỹ, vào năm 6 tuổi, thì không dùng tiếng Việt nữa.
Từ bé ở với cô ruột, ba chị em gái Nga được khuyến khích chỉ nói tiếng Anh. Vì vậy, hai em gái Nga không biết nói tiếng Việt. Còn Nga, mỗi năm chỉ sử dụng bập bõm tiếng Việt 5, 6 lần khi về nhà nói chuyện với cha mẹ.
Lần đầu tiên gặp Nga tại một ngày lễ, thấy cô phát âm còn chưa chuẩn. Nhưng sau 6 tháng gặp lại Nga, tôi hoàn toàn bất ngờ về khả năng nói chuyện trôi chảy, phát âm khá chuẩn, với cách dùng từ đôi khi thật "cảm xúc" của cô.
Nga bảo, sau thời gian được hướng dẫn, cô tự học là chính (mà môi trường thực tế xung quanh đã giúp cô phát triển ngôn ngữ rất nhiều).
“Có một phần tinh thần mình gần với VN qua một cách mà bản thân không bao giờ cảm thấy như vậy khi ở bên Mỹ” - Nga chia sẻ.
“Bên Mỹ mình không quen nhiều người Việt, khi về thì thấy nhiều thói quen của mình hợp hơn với VN nên thấy dễ chịu hơn và cảm thấy mình được chấp nhận nhiều hơn” - Nga bối rối diễn đạt cảm xúc của mình bằng một giọng nói miền Nam nhỏ nhẹ.
Câu hỏi khó trả lời nhất với cô là “bạn là người Việt hay người nước ngoài?”. Sau rất nhiều năm “va vấp”, Nga chọn cách trả lời… phức: “Tôi sinh ra ở VN, sang Mỹ lúc 6 tuổi và sống ở đó 14 năm rồi”.
Cô gái trẻ ưu tư, bản thân luôn thấy bị kẹt ở giữa, người nước ngoài thì không tin tưởng một người được sinh ra ở Việt Nam thì không thể nói chuyện bằng tiếng Anh hoàn hảo, còn người Việt thì cũng không coi cô thực sự là người Việt như họ.
Chia sẻ nhiều cái nhìn của bản thân về vai trò người phụ nữ VN trong gia đình ở quê hiện nay, những tư duy dạy và học ở VN còn nhiều hạn chế, hay những suy nghĩ còn hơi mơ hồ về những hiện tượng văn hóa Việt…, Nga bảo mình vẫn muốn tìm cơ hội quay trở lại VN, không chỉ dừng ở góc độ tìm cội nguồn.
Saturday, March 14, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment