Qua thông tin của ông trưởng thôn thì hiện nay thôn Thiệu Tổ hiện có 350 hộ, trong đó trên 100 hộ làm nghề buôn tóc. Thu nhập từ buôn bán tóc cao nên đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Chỉ riêng năm 2008, thôn Thiệu Tổ đã có 22 hộ xây nhà ba tầng, biệt thự nhờ nghề buôn tóc. Nghề buôn tóc cùng với nghề buôn bán lốp xe đã làm thay da đổi thịt làng thu mua phế liệu Thiệu Tổ, trở thành thôn khá giả nhất xã.
Thời buổi kinh tế suy thoái, trong khi nhiều mặt hàng đang “lao đao” thì tóc lại là mặt hàng khá hút khách. Mặc dù được liệt vào danh mục hàng phế liệu nhưng mỗi cân tóc có giá trị không kém gì vàng.
Tại hai làng thu mua tóc lớn nhất Việt Nam là Thiệu Tổ (Vĩnh Phúc) và Bình An (Bắc Ninh), không ít người đã giàu lên từ cái nghề buôn bán phế liệu này.
Nhộn nhịp mua bán tóc
8 giờ sáng, làng Thiệu Tổ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vắng tanh, chỉ lác đác vài cụ già ngồi trò chuyện trong quán cắt tóc. Hỏi chuyện chúng tôi mới được biết, giờ này người làng đi làm cả, không ít trong số đó ngược xuôi mua tóc. Nghề tóc xuất hiện ở Thiệu Tổ từ năm 1999 khi một số người ở biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái về làng tìm mua tóc. Từ đó đến nay, mỗi năm có hàng chục chuyến xe tải về làng chở tóc, hoặc lên biên giới, hoặc sang Bắc Ninh.
Khoảng 10 giờ sáng, nhà chị Hoàn đã bắt đầu có người từ tận Hà Giang xuống bán tóc. “Hàng” là vài ba mớ tóc đen dài và một túi tóc rối xoắn xít của đồng bào dân tộc. Hoàn kể: “Trước đây, gia đình em làm nghề thu mua phế liệu. Từ năm 2003, thấy tóc có giá trị nên hai vợ chồng quyết định chuyển hẳn sang kinh doanh tóc. Thời gian đầu em chỉ thu mua nhỏ lẻ rồi bán cho các đại lý. Sau này khi có vài trăm triệu tiền vốn thì chuyển sang làm đại lý.”
Nằm cách nhà chị Hoàn không xa là ngôi biệt thự rộng thênh thang của anh chị Kim- Bốn. Trong một căn phòng rộng chừng 20 m2, tóc rối chất thành đống, toát ra mùi ngai ngái, ẩm mốc khó chịu vì để lâu ngày. A Kỳ - vị khách người Trung Quốc nhảy vào giữa đống tóc, xới tung, chốc chốc lại cầm những búi tóc nhỏ tầm quả trứng lên xem. Anh Kim bảo “chuẩn, chuẩn” (tóc chuẩn – PV) rồi phát giá 14 (1,4 triệu đồng/cân- PV). Tại nhà anh Kim, chúng tôi gặp Thụ, một tay có máu mặt trong nghề buôn tóc ở Bắc Ninh. Thụ khoe, tất cả tóc ở Thiệu Tổ sẽ tập kết về quê Thụ ở Bắc Ninh.
Còn “đại gia” buôn tóc có máu mặt nhất trong nghề buôn tóc tại thôn Bình An (Yên Phong, Bắc Ninh) có lẽ phải kể đến nhà anh Thụ. Ngôi nhà anh Thụ thuộc dạng to nhất thôn, nằm ngay ở mặt đường. Đập vào mắt chúng tôi là những bao tải tóc rối chất thành đống trước cửa nhà; trên sân cũng vương vãi những búi tóc nhỏ. Lúc này anh Thụ vẫn đang ở Thiệu Tổ nên chỉ có vợ ở nhà. Gặng mãi chị mới tiết lộ, trước đây anh chị đi cắt tóc nóng (cắt trực tiếp trên đầu) ở khắp các nơi trên đất nước. Sau này, chị ở hẳn nhà gom hàng của những người buôn lẻ khác, trong khi anh Thụ đi đến các địa phương khác để lấy tóc.
Chị chia sẻ: “Nghề buôn tóc cần phải có nhiều vốn thì mới theo được. Cũng phải vất vả lắm mới kiếm được đồng tiền vì bây giờ đã có khá nhiều người theo nghề buôn này. Chúng tôi bây giờ chỉ tập trung vào loại hàng tóc ngắn để xuất sang Trung Quốc thôi.”
Giàu lên từ buôn tóc
Có điều đặc biệt của nghề kinh doanh này là hầu như không có chuyện các chủ buôn tranh giành, cướp bạn hàng của nhau. Mỗi hộ, mỗi người kinh doanh chuyên sâu về một loại tóc, người chuyên mua tóc dài, người chuyên tóc rối, lại có người chỉ mua tóc vụn. Tóc được chia ra làm 3 loại: tóc nóng là tóc được cắt ngay trên đầu; tóc tỉa là tóc được tỉa gọn gàng trên đầu, đây là kiểu tóc có giá trị nhất và tóc rối. Giá cả mỗi bộ tóc tùy thuộc vào độ dài, độ vuông mà quyết định. Một kg tóc dài trên 70cm có giá từ 3 - 4 triệu đồng; tóc rối khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng. Thời buổi suy thoái, trong khi các mặt hàng khác lao đao tìm khách thì thứ phế liệu là tóc lại chẳng bao giờ ế, “bao nhiêu cũng hết” cho dù giá đắt cắt cổ. Đơn giản vì mua được nhiều hàng thì mới có lãi nhiều. Từ đầu năm đến giờ, chỉ riêng gia đình chị Hoàn đã thu mua được 7 tấn tóc.
Qua thông tin của ông trưởng thôn thì hiện nay thôn Thiệu Tổ hiện có 350 hộ, trong đó trên 100 hộ làm nghề buôn tóc. Thu nhập từ buôn bán tóc cao nên đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Chỉ riêng năm 2008, thôn Thiệu Tổ đã có 22 hộ xây nhà ba tầng, biệt thự nhờ nghề buôn tóc. Nghề buôn tóc cùng với nghề buôn bán lốp xe đã làm thay da đổi thịt làng thu mua phế liệu Thiệu Tổ, trở thành thôn khá giả nhất xã.
Còn theo ông Kiên, số hộ tham gia buôn phế liệu tóc ở thôn Bình An là 120 hộ, chiếm 70%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng. Ngoài những người trực tiếp tham gia buôn bán tóc, còn một bộ phận không nhỏ dân trong làng làm nghề gỡ tóc rối cho các đại lý. Trung bình mỗi hộ kinh doanh lớn thuê từ 5- 10 lao động gỡ tóc, tiền công 70- 80.000 đồng/ngày, cá biệt vào vụ cấy vụ cày lên tới 100.000 đồng. Ông tự hào: “Hiện nay, nhiều ngành nghề trong thôn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay vốn, nhưng nghề buôn tóc là được tin cậy nhất vì hiệu quả kinh doanh cao, khả năng trả nợ tốt”. Từ đầu năm đến giờ, có hộ lãi hàng trăm triệu đồng từ buôn tóc. Nhờ thu nhập từ nghề buôn tóc mà năm 2008, Bình An có gần 40 hộ xây nhà kiên cố.
Ngọt ngào xen với đắng cay
Bố anh Xạ - một đại lý buôn tóc lớn ở làng Thiệu Tổ tâm sự: “Làm nghề buôn tóc phải rất nhạy bén và tinh tường mới làm được. Vì trọng lượng của tóc tính từng hoa nên người bán luôn nghĩ ra nhiều cách để tăng trọng lượng tóc. Chỉ cần hao một lạng là coi như lỗ vốn”. Các mánh khóe phổ biến là bơm nước vào kim tiêm rồi rỏ vào các lọn tóc; cắm đinh vào giữa búi tóc. Ngoài ra, người đi buôn phải luôn tỉnh táo, theo dõi biến động thị trường để “phát giá” phù hợp. “Làm nghề này cũng mệt lắm, giá cả bấp bênh, quanh năm mua bán ngắn dài, xấu xấu đẹp đẹp. Rồi còn chuyện thời tiết, hôm nào trời mưa to, hoặc nắng gắt thì phải ở nhà vì có mấy người ra chợ vào những ngày đó đâu. Nhiều hôm chở vợ sang tận Hưng Yên mà chẳng mua được gì. Hôm đấy coi như lỗ”. Anh Vịnh, thôn Bình An chia sẻ.
Vì buôn tóc có lãi cao nên người mua nào cũng muốn mua được nhiều hàng. Thế nên mới có chuyện người bán-người mua thường xuyên cãi nhau chỉ vì cắt ngắn, cắt dài. Anh Vịnh bảo: “Chúng tôi lúc nào cũng cố cắt dài hơn, lùi lên phía trên một chút vì tóc ở trên bao giờ cũng dày hơn, nặng hơn. Còn người bán tóc vốn đang dài, giờ cắt đi thấy hụt hẫng nên rất dễ tức giận. Mình là “thượng đế” đi mua hàng nhưng lúc nào cũng phải là người lấy lòng người bán. Nói thật, buôn tóc chỉ có “tướng” (các đại lý – PV) giàu, chứ “quân” như bọn mình... chủ yếu là lấy công làm lãi”. Trung bình một ngày, người đi mua lẻ lãi khoảng 50.000 - 70.000 đồng. Trừ đi chi phí đi lại thì số tiền lời không đáng là bao.
Ông Kiên - trưởng thôn Bình An cho biết: “Trước đây, người dân trong thôn thường đi thu gom phế liệu ở các nơi về để bán lại. Nhưng từ khi thấy buôn bán tóc đem lại lợi nhuận cao nhiều người đã chuyển sang làm nghề này”. Hàng ngày, từ sáng tinh mơ, người dân làng tóc tỏa đi khắp các chợ ở các địa phương lân cận. Tóc từ khắp nơi trên đất nước đều tập kết về đây để trung chuyển tóc sang Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sau khi được chuyển ra nước ngoài, tóc dài sẽ được sử dụng làm tóc giả, còn tóc vụn được tái chế để sản xuất băng đĩa. Ngoài ra, còn có một lượng khá lớn khách từ Hà Nội và các thành phố lớn về chọn mua tóc, chủ yếu để phục vụ nhu cầu nối tóc của chị em.
Theo Thu Quỳnh - Thanh Phương (Báo Gia Đình)
Wednesday, May 6, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment