Việc người tiêu dùng tin rằng sữa đắt nhất thì mới tốt nhất, cùng xu hướng chọn mua loại đắt nhất là những yếu tố khiến giá sữa tại Việt Nam được coi là cao nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình mức tiêu thụ các sản phẩm sữa ở Việt Nam là 9 ký sữa cho mỗi người một năm, trong khi con số này ở Thái Lan là 25 ký, Pháp là 130 ký và Australia là 320 ký.
Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ông Raf Somers là Cố vấn trưởng Dự án bò sữa Việt Bỉ cho hay, trong khi giá sữa ở các nước châu Âu, Nam Mỹ trung bình từ 0.5 đến 0.9 đô-la một lít, thì tại Việt Nam trung bình ở mức 1.1 đô-la và thuộc loại cao nhất thế giới. Nhận xét này được đưa ra tại cuộc hội thảo về ngành sữa VN với thế giới diễn ra hôm qua tại Hà Nội. Bên cạnh các yếu tố cấu thành giá sản phẩm như giá sữa nguyên liệu, chi phí sản xuất, đóng gói, lợi nhuận của nhà chế biến, phân phối bán lẻ, các chính sách thuế, thì thị hiếu, xu hướng chọn mua loại đắt nhất có thể của người tiêu dùng Việt Nam cũng góp phần làm tăng giá sản phẩm sữa. Nhiều người tiêu dùng cho rằng sản phẩm càng đắt tiền thì chất lượng càng cao. Chính vì vậy sau khủng hoảng sữa nhiễm chất melamine cuối năm 2008, thì đầu năm nay xảy ra hiện tượng một số hãng sữa tăng giá sản phẩm để tăng doanh số bán hàng. Ông Raf Somers nói mức cao nhất hiện nay là sản phẩm sữa bột cho trẻ em.
Theo đó chỉ tính loại sữa bột giá thấp và giá trung bình trên thị trường thì nhà sản xuất thu lợi từ 22 đến 86% chi phí sản xuất và từ 15 đến 40% giá bán lẻ. Kế đến là sữa chua với lợi nhuận chiếm trung bình 54% chi phí sản xuất, 30% giá bán lẻ. Con số này ở sản phẩm sữa nước lần lượt là 48% và 28%; sữa đặc là 17% và 12%. Cũng theo tài liệu từ Euromonitor, dự báo đến năm 2011, sữa nước và sữa bột tại Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng gấp đôi so với các con số 149,000 tấn sữa nước, 27,000 tấn sữa bột gầy và 39,000 tấn sữa bột nguyên kem được tiêu thụ trong năm 2008. Ngay lúc này, lợi nhuận cao nên các hãng liên tục đầu tư những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu mua sữa tươi trong nước. Trong đó các công ty có chu trình sản xuất khép kín, với vùng nguyên liệu riêng như Mộc Châu, Ba Vì chỉ một hai năm nay đã nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Nhận xét các sản phẩm sữa tại Việt Nam còn đơn giản, chưa nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; liên kết trong các khâu từ thu mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến, phân phối còn rời rạc, ông Raf Somers khuyến cáo ngành sữa Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với thế giới và ngược lại để tăng tính cạnh tranh. Theo ông, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện giám sát kiểm soát các sản phẩm để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất trong ngành sữa.
Gần 60,000 việc làm tại Hà Nội lung lay vì suy thoái
Trong một tin khác từ Việt Nam, ước tính đến cuối năm2009, số lao động mất việc, thiếu việc do ảnh hưởng suy giảm kinh tế trên địa bàn sẽ lên tới mức khoảng 55 đến 60,000 người. Con số này mới chỉ phản ánh một phần thực tế vì tài liệu thống kê chưa đầy đủ. Tình hình kinh tế khó khăn đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo tài liệu từ cơ quan thuế, Hà Nội hiện có trên 45,000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động với khoảng 1.2 triệu lao động. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đầu năm đã có nhiều công ty thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Chỉ trong khối doanh nghiệp vừa qua đã có gần 24,000 lao động bị mất việc làm, 2400 lao động bị thiếu việc làm từ 3 tháng trở đi. Tình hình tại 1180 làng nghề Hà Nội cũng không sáng sủa hơn khi nhiều đơn hàng sản xuất gia công xuất cảng đã bị đình lại hoặc không có ký được hợp đồng mới. Những ngành buộc phải thu hẹp sản xuất tập trung vào các ngành dệt, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ xuất cảng.
Thống kê tại 9 trên 29 quận huyện cho biết, tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm từ 12 đến 15,000 người, trong đó số lao động bị mất việc làm tại các làng nghề truyền thống khoảng gần 3000 người, kinh tế gia đình khoảng 6000 người. Tổng hợp báo cáo của 41 trên 85 doanh nghiệp có giấy phép xuất cảng lao động trên địa bàn Hà Nội thì có đến 29 doanh nghiệp có lao động phải về nước trước thời hạn vì mất việc. Thị trường có lao động thất nghiệp nhiều nhất là Đài Loan, Saudi Arabia, Mã Lai.
Với tình hình trên, dự báo lao động bị mất việc làm của các doanh nghiệp do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại Hà Nội năm 2009 sẽ vào khoảng 0.8%. Trong cả năm 2009, lao động mất việc trong các doanh nghiệp là 34,000 người, lao động bị thiếu việc vào khoảng 8,000 người.
Cộng thêm khoảng 15,000 công việc trong các làng nghề cũng sẽ bị ảnhhưởng, ước tính có tới 60,000 việc làm sẽ bị lung lay. Tuy nhiên con số 60,000 lao động có nguy cơ mất việc vẫn được cho là tài liệu chưa đầy đủ. Theo luật định, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo tăng giảm lao động 2 lần một năm, song thực tế mới có 367 trong số 45,000 doanh nghiệp đang hoạt động và 9 trong số 29 quận huyện báo cáo số liệu về lao động cho thành phố. Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do kinh tế suy giảm phải cho lao động thôi việc, nghỉ việc vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Qua tổng hợp báo cáo tình hình tăng giảm lao động của các doanh nghiệp và kết quả từ các phiên giao dịch việc làm vừa qua, nhu cầu tuyển dụng năm 2009 tại Hà Nội vào khoảng 100,000 người, trong đó tuyển dụng vào các loại hình doanh nghiệp là 27,000 người, còn lại là nhu cầu lao động của các hợp tác xã, các nhà kinh doanh dịch vụ và làng nghề. Thực tế là khi doanh nghiệp đã gặp khó do suy giảm kinh tế thì phần lớn không có nguồn để trả nợ lương, bảo hiểm xã hội, nợ trợ cấp thôi việc.
Bản báo cáo cũng kết luận là chỉ có người lao động thiệt thòi và rơi vào cảnh khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, trong khi những chính sách hỗ trợ rất cần của nhà nước lại không tới được các đối tượng này.
Tôm VN xuất sang liên âu giảm gần một nửa
Trong những tin về kinh tế khác, một bản tin cho biết 3 nước tiêu thụ tôm chính của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Âu Châu là Đức, Anh, Pháp đồng loạt giảm mạnh nhập cảng tôm Việt Nam, khiến tổng xuất cảng tôm sang thị trường này giảm mạnh, gần 40% so với năm ngoái và đạt 4.3 triệu đô-la. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VASEP của Việt Nam cho biết trong tháng 2, xuất cảng tôm Việt Nam tăng cao ở các thị trường tiêu thụ chính. Bước sang tháng 3, con số giảm xuống ở hầu hết các thị trường. Nửa đầu tháng 3, xuất cảng tôm của cả nước giảm 16% về khối lượng và 17% về giá trị so với cùng kỳ, đạt 4254 tấn, trị giá 36.6 triệu đô-la.
Trong bảng tổng kết 10 thị trường chính nhập cảng tôm Việt Nam, chỉ còn Trung Cộng và Úc Đại Lợi là còn tăng, trong khi các nước Liên Âu đồng loạt giảm mạnh nhập cảng trong nửa đầu tháng 3. Xuất cảng tôm sang Canada, Đài Loan, ASEAN và các nước khác đều giảm mạnh khoảng 50 đến 80%. Chưa kể, sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị cảnh báo chất lượng từ Tây Ban Nha là một thành viên khác thuộc Liên Âu. Hiện nay đoàn Thanh tra của Liên Âu đang có mặt tại Việt Nam để thực hiện thanh tra các cơ sở thủy sản, từ tàu cá, cảng cá, đồng nuôi tôm cá tới cơ sở thu mua, sơ chế và nhà máy chế biến có code Liên Âu tức thuộc danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất cảng thủy sản vào Liên Âu. Việt Nam có 301 doanh nghiệp nằm trong danh sách này và đang đề nghị Liên Âu xem xét bổ sung thêm 30 doanh nghiệp khác sau đợt thanh tra.
Tuesday, April 28, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment