Cháu tôi 38 tháng, đi nhà trẻ từ lúc 2 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, ngay cả những từ đơn giản như: ba, đi, ăn… Khi người lớn nói chuyện, cháu có thể hiểu và làm theo các yêu cầu như lấy ghế hoặc đi dép, nhưng vẫn không phát âm được. Có cách nào điều trị cho cháu? (Huynh Ngoc Dung)
Cháu rất hiếu động, thích xem những mẩu quảng cáo trên TV. Khi cháu còn nhỏ, anh chị tôi vì công việc nên thường xuyên về nhà muộn, vì thế không có nhiều thời gian để trò chuyện với cháu. Hằng ngày cháu ở nhà với người giúp việc, nhưng do họ còn nhiều việc nhà khác phải làm nên thường xuyên mở video các đoạn quảng cáo trên TV cho cháu xem để cháu ngồi yên không đi nghịch phá.
Từ khi cháu 2 tuổi, anh chị tôi đã cho cháu đi khám nhiều lần ở các cơ sở y tế, nhưng các bác sĩ bảo là bình thường và chỉ cần về nhà bố mẹ dành thêm thời gian trò chuyện với con, khi bé muốn lấy gì thì thay vì đưa tay chỉ phải nói tên của đồ vật và yêu cầu bé lặp lại. Gia đình cũng thực hiện những hướng dẫn của bác sĩ nhưng đến nay đã hơn 1 năm mà cháu vẫn chưa nói chuyện được.
Trả lời
Xin chào anh/chị!
Cháu nhà mình như vậy là chậm nói và điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của cháu. Nguyên nhân khá rõ ràng: Vào giai đoạn thuận lợi nhất cho sự phát triển ngôn ngữ (từ 8 - 9 tháng đến 5 tuổi) thì cháu đã không có môi trường ngôn ngữ chuẩn mực để phát triển ngôn ngữ. Không có ai giao tiếp với cháu theo đúng nghĩa của nó, cháu tiếp xúc với TV và băng hình nhiều hơn... Rất nhiều cháu trong hoàn cảnh này đã mắc bệnh tự kỷ.
Gia đình hãy kiểm tra xem cháu có giao tiếp thường xuyên bằng mắt với mọi người không, cháu có làm theo mọi mệnh lệnh của người lớn không (không phải kiểm tra sự phục tùng của cháu mà kiểm tra sự thông hiểu ngôn gnữ của cháu). Gia đình hãy quan sát và nên ghi chép đầy đủ về biểu hiện hành vi của cháu, vì đôi khi cháu chỉ phản ứng đúng với một hai trường hợp thôi, còn đại đa số phản ứng tự phát. Nếu như vậy thì câu chuyện phải theo hướng khác - điều trị tại cơ sở chuyên biệt.
Tuy nhiên, có một số trường hợp là do nguyên nhân môi trường nên trẻ bị mất ngôn ngữ cục bộ. Trong trường hợp này, đúng như bác sỹ đã có lời khuyên, gia đình cần tập trung thời gian cho con và giao tiếp tích cực với con.
Giao tiếp tích cực có nghĩa là thế nào? Người lớn cần phải hoá thân thành đứa trẻ, chơi với trẻ, giúp trẻ hoạt hoá toàn bộ hệ thống thần kinh. Hãy nô đùa thật vui, vừa chạy vừa hét, vừa ra lệnh, vừa thể hiện cảm xúc... sao cho đứa trẻ như bị dồn nén về cảm xúc và khó chịu vì sự bất lực ngôn ngữ để rồi phải bùng phát một từ nào như để giải toả...
Dạy qua hoạt động thực sự bao giờ cũng hiệu quả. Còn nếu dạy trẻ bằng cách ngồi bắt trẻ nhắc lại những gì người lớn nói thì thật nhàm chán. Đứa trẻ bình thường cũng khó chấp nhận huống chi trẻ chậm nói và thiếu tập trung. Khó khăn nhất là những từ đầu tiên trẻ có thể bật ra... Khi trẻ bật được rồi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Một điều đáng lưu ý là giáo dục trẻ cần thực hiện trong hoạt động đầy cảm xúc mới mang lại sự thay đổi.
Gia đình hãy thử nghiệm bước đột phá đầu tiên này. Hãy tin cho chúng tôi về kết quả.
Thursday, March 12, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:
Post a Comment