Sunday, March 15, 2009

Lễ giỗ Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp

Hinh ben: Linh Mục Chủ Tế Phan Phát Huồn (trái) cùng Linh Mục Trần Quý Thiện (phải) đang dâng thánh lễ trong buổi lễ giỗ Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp tại hội trường giáo xứ Saint Polycarp, thành phố Stanton, ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Hai năm 2009.

Trên 400 giáo dân và đồng hương cùng nắm tay hiệp thông lời cầu nguyện trong ngày lễ giỗ Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp, dưới sự chủ tọa của Linh Mục Phan Phát Huồn (quay lưng, phải) và Linh Mục Trần Quý Thiện (quay lưng, trái), tại hội trường Giáo Xứ Saint Polycarp, thành phố Stanton, ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Hai năm 2009.
Tiểu sử Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp


Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01 Tháng Giêng 1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2 Tháng Hai 1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, tỉnh An-Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Ðặng (1860-1935). Mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh.

Gia-đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương Thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Mãn tiểu chủng viện, ngài lên Ðại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Pnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức Cha Gioan Bí Tích Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng Ba năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề Trên địa phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12 Tháng Ba 1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Do sự tranh chấp giữa các giáo phái, vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay thế cho những người bị bắt chung. (2)

Ngài mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn. Xác ngài được vớt lên từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4 Tháng Sáu 1989. Ngài là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Lời Ðức Kitô đã dạy: Người mục tử tốt lành hiến mạng sống vì đoàn chiên. Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã thực hiện lời Ðức Kitô trong cuộc sống, ngài đã hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa, ngài đã hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúng ta có thể tóm tắt cuộc đời của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là:

“Tận Hiến Cuộc Ðời Cho Thiên Chúa,

Hy Sinh Kiếp Sống Giúp Con Người.



Sống Hiến Thân Phó Thác,

Chết Nêu Gương Sáng Ngời

để

Một Ðời Dâng Hiến,

Trọn Kiếp Vinh Quang.”

Hàng ngàn người lương giáo, gần xa đã đến Tắc Sậy với cha Phanxicô để nguyện cầu, để khấn xin, để trút những nỗi lo, gánh nặng vật chất, tinh thần để ngài chuyển lên Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chấp nhận chúc phúc cho những khấn ước, nguyện xin. Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã vinh quang qua Cha Phanxicô.

Nhiều người đã đến, đã ở lại, đã trở về, để còn nhớ:

“Ra về còn nhớ Tắc Sậy,

Xứ đạo nhỏ bé sình lầy đường xa,

Hồng Ân Thiên Chúa ban ra,

Ðoàn con lương giáo gần xa viếng Người

Những ai đau khổ đôi phần,

Nguyện xin Cha thánh đỡ đần ủi an,

Những ai gặp bước gian nan,

Nguyện xin Cha thánh lo toan mọi bề,

Những ai đau khổ đường về,

Cậy trông Cha thánh tràn trề hồng ân.”



Tiểu sử này do cha Nguyễn Ngọc Tỏ viết, ngài hiện là cha sở họ Tắc Sậy, nơi có mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Vì sống dưới chế độ Cộng Sản nên tác giả tiểu sử không dám nói rõ Cha Phanxicô đã bị Việt Minh Cộng Sản giết. Các tài liệu do Giáo Phận Cần Thơ đưa ra cũng thế. Nhưng người dân biết rõ Việt Minh đã thủ tiêu Cha. Tài liệu trên đây do Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng đánh máy lại và đã nói rõ lý do cái chết của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là do Việt Minh Cộng Sản giết ngài.









Bài & hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt


STATON, California (NV) - Trưa Thứ Bảy, 14 Tháng Ba năm 2009, tại hội trường giáo xứ Saint Polycarp, thành phố Stanton, Hội Những Người Con Cha Trương Bửu Diệp đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp (1797-1946). Trên 400 giáo dân và đồng hương, đa số là những người đã nhận được ơn phước từ sự cầu nguyện Linh Mục Trương Bửu Diệp đã có mặt rất sớm để tỏ lòng biết ơn và chia sẻ phép lạ mà mình đã nhận được. Buổi thánh lễ do Linh Mục Phan Phát Huồn (Dòng Chúa Cứu Thế) chủ tế cùng với vị đồng tế là Linh Mục Trần Quý Thiện. Ðặc biệt có sự hiện diện của ông Huỳnh Kim, cùng một số vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo.

Trong lời ngỏ trước buổi lễ, Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, đại diện ban tổ chức cũng đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về những phép lạ mà Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã ban cho mọi người mỗi khi khó khăn. Chính ông cũng đã “nhận được biết bao ơn lành của Chúa qua lời cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp.”

Xướng ngôn viên Minh Phượng, đài Radio Bolsa, người luôn có mặt trong lễ giỗ hàng năm của Linh Mục Trương Bửu Diệp, được mời điều hợp chương trình. Chị đã mời mọi người chia sẻ ơn lành nhận được, đồng thời cũng thay mặt ban tổ chức kêu gọi mọi người đóng góp tài vật để sửa chữa nhà thờ họ đạo Cồn Phước, Giáo Phận Long Xuyên, theo thư ngỏ của Cha Sở họ đạo, Linh Mục Giuse Nguyễn Hùng Sơn, để “ngôi Thánh Ðường thờ phượng Chúa, đồng thời cũng là nơi hàng năm tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, sớm được hoàn thành tốt đẹp.” Ðây cũng là quê hương của Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Một số người tham dự cũng đã chia sẻ ơn phước mình nhận được qua lời cầu bầu của Linh Mục Trương Bửu Diệp như ông Phan Quỳnh (Garden Grove), nhà văn Chu Tất Tiến, bà Nguyễn Kim Lan... Ðặc biệt có sự chia sẻ tình cảm của ông Nguyễn Văn Nghiệm, người đã từng được giúp lễ cho Linh Mục Trương Bửu Diệp trong thời gian linh mục còn sống.

Trong phần thuyết giảng, Linh Mục Phan Phát Huồn trình bày suy nghĩ của ông về việc phá thai, và ông không đồng ý với ý kiến của Tổng Thống Barack Obama, khi tổng thống ủng hộ việc này. Ông nói:

“Phá thai là giết cái thai ngay trong bụng mẹ. Thưa anh chị em, không có cái phòng điều hòa nào tốt đẹp cho bằng là cái lòng của người mẹ. Cái thai trong lòng người mẹ gặp được tất cả các điều kiện để sinh sống.”

Linh Mục Phan Phát Huồn cho rằng “những người phá thai, phò phá thai đã biến hóa cái lòng mẹ đó thành pháp trường để giết thai nhi, để cho họ được sống. Ðiều này khác biệt hẳn với tư tưởng của Chúa Giêsu và Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp.” Ông nói tiếp:

“Thưa anh chị em, Ngài (Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp) bằng lòng chết để cứu sống những con chiên trong giáo xứ của ngài. Ðó là sự khác biệt, không ai có tình thương cao đẹp cho bằng người hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu. Tôi chỉ muốn đưa ra một tư tưởng đó mà thôi. Tư tưởng mà Cha Trương Bửu Diệp đã bắt chước Chúa Giêsu dâng mạng sống mình để cứu những người trong giáo xứ, như Chúa đã dâng mạng sống của Chúa để cứu nhân loại, trong đó có anh chị em và có tôi.”

Tiếp theo, hai vị linh mục chủ tế đã cùng làm thánh lễ và các giáo dân lần lượt tiến lên bàn thờ rước lễ trong không khí chan hòa tình thương. Ca đoàn Fatima cũng góp phần vào sự thành công của buổi lễ bằng những bài thánh ca tôn vinh Thiên Chúa và Linh Mục Trương Bửu Diệp.

Trong lời cảm ơn của ban tổ chức, Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng đã nhắc lại những năm tháng tù đày dưới chế đột CSVN với hai vị linh mục hiện diện. ông cho rằng chính Linh Mục Phan Phát Huồn đã “làm dấy lên một phong trào biết ơn Cha Trương Bửu Diệp, chia sẻ với mọi người những ơn lành nhờ lời cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp.” Ông nói tiếp:

“Ngày hôm nay, giữa chế độ Cộng Sản, Cha Phanxicô đã làm cho mọi người tin vào quyền phép của Thiên Chúa, tin vào Ðức Mẹ qua những ơn lành mà mọi người đã nhận được nhờ chạy đến kêu cầu Cha.”

“Cái chết của Cha là cái chết của một vị tử đạo, chết vì tình yêu thương tha nhân. Cha Phanxicô đã theo gương Chúa Giêsu, nêu gương của vị Mục Tử nhân lành, hy sinh mạng sống vì đoàn chiên...”

Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng cũng cho biết thêm, Giáo Hội Việt Nam chưa thuận tiện công khai tiến hành thủ tục phong thánh cho Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp, nhưng ông cho rằng “chính quyền CSVN cũng không thể ngăn cản được niềm tin của hàng trăm ngàn người đổ về Tắc Sậy, nơi Cha Phanxicô đã bị Cộng Sản giết chết vào đêm 12 Tháng Ba năm 1946, cách đây 63 năm!”

“Trong bao nhiêu năm đó, biết bao ơn lành đổ xuống cho đồng bào Việt Nam không phân biệt tôn giáo... Và những ơn lành đó đã lan dần tới hải ngoại, nơi nào có người Việt thì nơi đó nghe nói đến Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.”

Buổi lễ giỗ Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp kết thúc với phần phát lộc. Những giỏ trái cây mà ban tổ chức cùng mọi người dâng bàn thờ lên tạ ơn Thiên Chúa cùng Linh Mục Trương Bửu Diệp được phân phát cho mọi người với ước mong tất cả sẽ vượt qua được mọi thử thách, cam go trong cuộc sống.





0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Post a Comment