Friday, March 13, 2009

Hồi tưởng về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 30 năm trước

Cũng không ngờ, Quân giải phóng Tàu trình độ văn hoá rất tệ. Trong 60 tên tôi gặp, không có một người nào tốt nghiệp trung học, không một người nào biết Bắc Kinh ra sao, chữ Hán tất cả đều nguệch ngoạc như gà bới, chỉ có 3 người võ vẽ biết tiếng Anh kiểu vỡ lòng, đọc vài chữ tiếng Anh theo giọng Hồ Nam, kể cả viên đại đội phó và trung đội trưởng lái xe tăng. Quân giải phóng hiện đại hoá năm 1979 mà chậm tiến như vậy đó.

Bùi Tín

30 năm đã qua. Năm nay, Bộ chính trị Hà Nội, qua ban tuyên huấn trung ương, lệnh cho bộ máy truyền thông - báo, đài, vô tuyến truyền hình - không được nói gì đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Trong khi đó Trung Quốc để cho truyền thông của họ ở vùng Hoa Nam được viết bài kỷ niệm, tưởng nhớ những "anh hùng" (!) đã xả thân 30 năm trước.

Nhưng lịch sử là lịch sử. Làm sao xoá bỏ lịch sử với biết bao dấu tích; làm sao xoá bỏ được sự tưởng niệm của nhân dân đối với hơn 40 ngàn liệt sĩ - quân nhân và đồng bào các dân tộc - đã nằm xuống trên giải đất biên cương những ngày đầu Xuân ấy.

Xin ghi lại vài hồi tưởng cá nhân của tôi về những ngày sôi động xưa.

Những ngày ấy tôi ở đâu.

Tôi ở Pnom Pênh, một thành phố chết bắt đầu hồi sinh. Cùng một đơn vị Quân khu IX từ Châu Đốc qua Takeo, chúng tôi một nhóm báo chí quân sự 6 người đến sân bay Pochentông / PnomPênh sáng 7-1-1979. Cả thủ đô vắng lặng. Tiếng súng lẻ loi của vài ổ đề kháng tuyệt vọng. Cỏ lút đầu người. 30 vạn dân thủ đô đã bị đuổi hết về nông thôn từ tháng 4-1975 khi quân Khme Đỏ vào. Phố không tên, nhà không số, đường không người, cuộc sống nông thôn không tiền nong, không chợ búa, không trường học, dân không giấy tuỳ thân, không giày dép, không gia đình, ngủ tập thể chia theo trai, gái, đội lao động.

Sứ quán Tàu rộng lớn nhất thủ đô, tài liệu vừa bị thiêu huỷ, còn một đống tro giữa đại sảnh trang hoàng một tranh hoành tráng ghi bài thơ Mao Trạch Đông: "vầng Thái dương trên châu Á". Vẫn còn sót tài liệu chỉ rõ 2 hôm trước, chỉ có 5 sứ quán: Bắc Hàn, Lào, Nam Tư, Rumani và Trung Quốc. Người TQ mới đây có gần 8 ngàn người rải khắp nước, cố vấn quân sự đông nhất, chuyên gia thuỷ lợi, lâm nghiệp, Tân Hoa Xã, có 3 ngàn quân thuộc đơn vị công binh vừa xây xong sân bay cực lớn, đường băng dài 3 ngàn mét ở Cong Pong Chnang. Các đoàn khách lớn đến gần đây là 3 đoàn quân sự, một đoàn do Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc cầm đầu, 2 đoàn cấp cao nhà nước Tàu do Phó Tổng lý (Thủ tướng) Trần Vĩnh Quý và bà Đặng Dĩnh Siêu cầm đầu. Họ bỏ chạy hết sạch từ 5 ngày nay sang Thái Lan, nhưng vết tích còn đầy ra đó.

Từ đó dễ hiểu rằng Tàu tất nhiên sẽ trả thù ta ở miền Bắc. Quả nhiên, đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, gặp Carter, huênh hoang báo sẽ cho "Việt Nam Tiểu bá" một bài học, dám đi theo Đại bá (Liên Xô) ăn hiếp nước nhỏ Cambốt, con nuôi của TQ.

Có người hỏi: ta có bị bất ngờ không. Tôi nhớ lại, có thể nói vừa có, vừa không. Có, vì tình hình biên giới đã căng, rất căng từ giữa năm 1978, khi TQ rút hết mọi chuyên gia, ngưng mọi viện trợ, căng thêm sau khi VN ký Hiệp ước hữu nghị tương trợ với Liên Xô vào tháng 11. Cả tuyến biên giới đã báo động đỏ, việc đào hầm hố, công sự, huấn luyện, bổ sung quân số đạn dược được thúc đẩy khẩn trương. Nhưng vẫn bất ngờ, không biết ngày nào chúng khởi sự, và có dám khởi sự hay không vì VN đã gắn chặt với Nga Xô.

Cũng do đó mà hơn 2 quân đoàn bảo vệ miền Bắc vẫn được đưa vào chiến trường Cam bốt; biên giới phía Bắc chỉ có toàn là chủ lực các Quân Khu, lực lượng tham chiến những ngày đầu chủ yếu là bộ đội địa phương 6 tỉnh và 26 huyện biên giới, cùng với bộ đội biên phòng (có hơn 20 tiểu đoàn) và một mạng lưới dân quân khá rộng và dày. Đây là một nét khá đặc sắc, vì từ xa xưa dân miền núi vốn có nếp tự trang bị súng từ thô sơ đến hiện đại để chống thú rừng, săn thú ăn thịt, bảo vệ nương rẫy. Các Quân khu đã phát hàng vạn súng tốt rất rộng rãi cho dân quân các dân tộc Tày, Mường, Mèo, Thái... từ mấy tháng trước.

Ngày cuộc chiến nổ ra (17-2-1979), tôi đang ở Pnom Pênh, theo dõi sự kiện Đoàn cấp cao Việt Nam sang dự lễ mừng chiến thắng, do thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Sáng hôm ấy sĩ quan Việt Nam tập họp trong đại sảnh đại sứ quán Trung Quốc cũ để nghe ông Đồng nói chuyện. Ông Đồng đang nói thì tôi thấy tướng Văn Tiến Dũng - bộ trưởng Quốc phòng, đưa lên một mảnh giấy, sau đó ông Đồng thông báo đêm qua TQ đã tiến công trên khắp tuyến biên giới 6 tỉnh. Trưa đó tôi nghe ông Đồng và ông Dũng bàn với nhau: không thay đổi chương trình, vẫn giữ đúng kế hoạch, đi thăm Battambang, XiêmRiep, sáng 20 về Hànội. Trong những ngày ấy, cứ cách từ 2 đến 3 giờ, lại có mật điện của tướng Lê Trọng Tấn và tướng Hoàng Văn Thái báo cáo về tình hình chiến đấu ở biên giới.

Giới báo chí có mặt ở Pnom Pênh náo nức hỏi đường về Sài Gòn ngay để trở ra Hà Nội rồi lao lên biên giới săn tin. Hai bạn thân của tôi là anh Takano, phóng viên Acahata Nhật bản và phóng viên chụp ảnh Pháp Jean Claude Labbé nhanh nhẩu nhất. Thật đáng tiếc thương là Takano lên Lạng Sơn chạm trán quân Tàu trưa ngày 27-2 và bị chúng bắn chết ngay gần cầu Lạng Sơn. Anh luôn đeo kính cận, nói và viết tiếng Việt khá sõi, tốt nghiệp khoa Văn trường đại học tổng hợp Hà Nội.

Gặp tù binh Trung Quốc

Ngày 2-3-1979, nhóm phóng viên báo QĐND chúng tôi lên Thái Nguyên để gặp một số tù binh TQ. Trên đường lên Lạng Sơn và Thái Nguyên, từng đoàn dân quân, thanh niên, sinh viên của Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây vai khoác ba lô cùng xẻng cuốc nô nức đổ lên phía Bắc đào và dựng phòng tuyến chặn bọn xâm lược tiến về thủ đô. Tuần trước đài Nam Ninh/Quảng Tây huênh hoang đe doạ: Quân Giải Phóng quyết tiến công chớp nhoáng, "sáng sớm ở Lạng Sơn, ăn cơm trưa tại Hà Nội" (!).

Sau hơn 10 ngày chiến đấu, ta đã bắt được hơn 100 trăm tù binh. Có những tên đại đội trưởng, đại đội phó, chính trị viên đại đội, đảng viên cộng sản.

Hai ngày đêm ở Thái Nguyên, tôi hỏi chuyện được hơn 60 tên tù binh đủ loại, phần lớn thuộc quân khu Quảng Châu do tướng Hứa Thế Hữu chỉ huy. Một số bị thương nhẹ, đã được phía ta chăm sóc.

Sân vận động Thái Nguyên khá rộng, đủ chỗ cho hơn 80 tên ở trong hơn 20 phòng nhỏ, vốn là nơi tập luyện bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật, nơi hội họp, nghỉ ngơi của vân động viên, nay được ngăn lại. Ở đây việc canh gác chúng được thuận lợi, chúng được tiêu chuẩn ăn như bộ đội ta, với bánh bao làm từ bột mì.

Chỉ hỏi chuyện mươi tên, có thể thấy ngay cái ngây ngô của chúng, không hiểu đánh Việt Nam để làm gì, vì sao mà xuất quân. Chúng hiểu lơ mơ là Việt Nam không tốt, không biết ơn Trung Quốc; chúng mong chiến tranh kết thúc vì trên dặn: "đây chỉ là cuộc xuất quân hạn chế trong thời gian, trong không gian". Chúng chỉ chuẩn bị được có hơn 10 ngày là đi, hành quân xuống phương Nam, nghỉ chân 5 hôm là khởi sự.

Chúng sợ ngay từ khi nhập đất Việt vì phải dò mìn, vì lạ địa hình, không am hiểu gì ở phía trước. Chúng luôn bị bất ngờ, bị mìn, bị phục kích, bị bắn tỉa giữa rừng, khi dừng chân bên suối. Chúng hoang mang vì khi ở căn cứ chúng được giải thích sẽ có hàng trăm máy bay đủ loại mở đường, che chở, yểm trợ nhưng chẳng thấy một chiếc nào xuất hiện.

Một tên lái xe tăng loại trung bình Bát-Nhất bị lật nhào vì mìn, chân phải bị gãy phải nẹp và đi nạng, than vãn là xe tăng không thích hợp với địa hình rừng, đường độc đạo, lắm khe suối, không triển khai được đội hình, thường chỉ đi hàng dọc, dễ làm mồi cho bazôka đáng sợ!

Khí hậu rừng nhiệt đới ẩm, mưa nhỏ đã làm nhão đất thành bùn, hầm hố khó đào cũng thành vấn đề khi chúng phải ngủ giữa rừng. Rồi việc ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa trên đất địch, lạ lẫm, vắng lặng, đầy cạm bẫy thật không dẽ chịu chút nào. Một hai tên bị bắn chết hay bị thương là thường mất luôn một tiểu đội, phải cáng về phía sau với 2, 3 tên áp tải.

Một viên đại đội phó than vãn, anh ta ra trận, mẹ đang ốm, vợ mới sanh con gái được 2 tháng, quê ở tận Tứ Xuyên, từ quân khu Thành Đô xuống tăng cường cho quân khu Quảng Châu, không lòng dạ nào đi xa vào nơi nguy hiểm; luôn buồn bã, ỉu xìu, luôn mồm xin thuốc lá; kể lể mới vào trận có mươi hôm mà đứa nào cũng gầy xọm, sức yếu hẳn, nỗi lo sợ căng thẳng khôn nguôi, còn tăng thêm hằng ngày khi thấy "hoả lực các ông" tăng rõ, "chạm trán các ông" và bị pháo kích, phục kích nhiều hơn, quyết liệt hơn ... Mỗi ngày qua là cảm thấy thêm không có ngày về. Anh ta còn kiêm chức bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản, cảm tình đảng, khi bị bắt còn trong túi áo cuốn Mao tuyển nhỏ bìa nylon đỏ chót. Anh ta không hề giở Mao tuyển ra, cũng không sinh hoạt chi đoàn, vì không biết nói gì với quân lính.

Thật rõ ràng, trong cuộc tấn công xâm lược này, thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều bất lợi cho quân Tàu.

Cũng không ngờ, Quân giải phóng Tàu trình độ văn hoá rất tệ. Trong 60 tên tôi gặp, không có một người nào tốt nghiệp trung học, không một người nào biết Bắc Kinh ra sao, chữ Hán tất cả đều nguệch ngoạc như gà bới, chỉ có 3 người võ vẽ biết tiếng Anh kiểu vỡ lòng, đọc vài chữ tiếng Anh theo giọng Hồ Nam, kể cả viên đại đội phó và trung đội trưởng lái xe tăng. Quân giải phóng hiện đại hoá năm 1979 mà chậm tiến như vậy đó.

Tận cùng man rợ

Chúng tôi lên Lạng Sơn ngày 8-3 khi được tin Bắc Kinh vừa ra lệnh rút quân gấp. Cầu gãy. Sông Kỳ Cùng thuyền đồng bào đã nối nhau trở về cập bến. Khói còn bốc lên từ nhiều đám cháy, lửa vừa được dập tắt; nhà ga đổ nát, tường sập từng mảng. Đường sắt đứt từng đoạn, cong queo. Chúng phá bằng mìn loại cực mạnh. 60 toa tầu và 2 đầu máy cũ tan tành. Các cơ quan hành chính đều bị phá sập. Giây điện bị cắt nát. Cửa hàng mậu dịch bị đốt cháy, cho đến trường trung học, vườn trẻ bên cơ quan hội phụ nữ, nhà mẫu giáo đều đổ nát không thể ở được. Chúng đốt cháy gần hết thư viện lớn.

Những đồng bào đầu tiên trở về nhà đều buồn rầu đau xót trước cảnh tang thương đổ nát. Xưởng dệt thủ công thổ cẩm đặc sản Lạng sơn bị chúng phá sạch banh, không còn một chiếc máy nguyên vẹn; xí nghiệp khâu cũng vậy. Một kiểu phá hoại triệt để, có hệ thống theo nghiêm lệnh, để triệt đường sinh hoạt lâu dài của người dân. Những chiếc thuyền gỗ bị đâm thủng, ván bị xẻ ra từng mảng nằm dọc bờ sông với lưới lớn nát bấy như bị băm nhỏ.

Vào nhà dân khá giả gần khu chợ, tủ lim, bộ ghế salông cổ mặt đá bị đập nát, gương vỡ tan, mâm đồng bị đâm thủng, nồi to nồi bé bằng đồng, nhôm, sành, đất không còn một chiếc nào còn dùng được; cho đến chiếc xe nôi cho em bé cũng bị chặt gục xuống bên cống.

Không thể nào tưởng tượng một đội quân chính quy của một đảng cộng sản lớn, tự nhận là "vĩ đại" lại có thể hành xử tàn bạo, độc ác, mang bản chất phá hoại phi nhân đến vậy. Quân Tàu Tưởng, quân phát xít Nhật, quân thực dân Pháp đều qua đây, nay là quân Trung Cộng; và kỷ lục về giết dân thường, về tàn phá tràn lan, triệt để, thâm hiểm là thuộc về bọn lính Trung Cộng này đây.

Những điều được trông thấy đã đủ để kinh hoàng. Còn những nơi tôi không được thấy, được ống kính xưởng phim quân đội ghi lại còn khủng khiếp gấp vạn lần. Đó là ở Bát Xát (Lào Cai), một bà người H’Mông bị cả một tiểu đội 9 tên đưa vào hang đá thay nhau hãm hiếp rồi đâm chết trước mặt con trai bà bị trói chặt ở gốc cây khế ngoài cửa hang. Anh giả chết khi chúng bắn vào vai anh trước khi cùng nhau tháo chạy, anh vừa khóc vừa kể. Ở thôn Tông, huyện Hoà An (Cao Bằng), chúng bị phục kích chết hơn chục tên, chúng uống rượu rồi tàn sát bằng dao, báng súng cả một xóm 43 người, có 21 phụ nữ và 20 em nhỏ, trong số phụ nữ có 7 người mang thai. Gần đó chúng giết người rồi ném 5 xác xuống giếng.

Bộ mặt thú vật ấy của cái gọi là Quân giải phóng Trung Hoa làm sao có thể rửa sạch, phải được lưu truyền trong lịch sử loài người. Sao có thể cấm bà con ta ở 6 tỉnh biên giới không được tưởng niệm người thân đã oan khuất và cấm gia đình nạn nhân và đồng bào nguyền rủa quân sát nhân khốn nạn cùng quan thầy của bọn chúng!

Một mũi tên xuyên 5 con chim?

Sau 30 năm, nhìn lại cuộc chiến Việt - Trung vùng biên giới, với những tư liệu từ mọi phía được thu thập, có thể thấy Đặng Tiểu Bình thật thâm hiểm đến tột đỉnh.

Nói thật gọn, đây là một viên đạn nhằm bắn xuyên đến 5 con chim. Năm mục tiêu chiến lược ấy là: (1) phạt Việt; (2) khoe Mỹ; (3) đe Xô; (4) cứu Pôt; và cuối cùng là (5) nhằm hiện đại hoá 3 quân (Hải, Lục, Không quân) Trung Quốc.

- phạt Việt: đòn trừng phạt không doạ nổi dân ta, chúng bị trừng phạt nặng; Bắc kinh thú nhận - dưới xa sự thật, chết 6 ngàn tên, bị thương 21 ngàn, cộng là 27.000 thương vong trong số 23 vạn tên nhập Việt . Ngay phía sau là 22 vạn tên hỗ trợ, hậu cần và dự bị trên đất Tàu. Các quân đoàn chủ lực VN chưa vào trận, số lớn còn ở Cambốt. Nhóm lãnh đạo CS khiếp sợ và bị kẻ thù khuất phục cho đến nay vẫn còn sởn.

- khoe Mỹ: Đặng gặp Carter tháng 1-1979, báo trước sẽ đánh VN, Carter ngầm tán thành, thực tế là khuyến khích, ủng hộ bằng giữ bao vây, phong toả, cô lập VN; để bọn Pốt ở Liên Hợp Quốc.

- đe Xô: Liên Xô bất động, tuy có Hiệp ước đồng minh tương trợ Xô - Việt tháng 11- 1978.

- cứu Pốt: Đặng đã tạm cứu được bọn Khme Đỏ trong hơn 10 năm. Sau khi rút quân khỏi phía Bắc, Đặng tập trung sức vào yểm trợ bọn Pốt ở biên giới Thái lan - Cambốt, dùng cả giải đất Đông Nam Thái lan thành đất thánh cho quân Pốt, vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, trang bị, bom mìn, quân trang quân dụng, mở 12 doanh trại tuyển quân, luyện quân, 2 trường đào tạo sĩ quan, gài cố vấn Tàu vào 21 sư đoàn khơme đỏ (nâng từ 16 sư năm 1978), chúng càng đánh càng đông, mạnh, thiện chiến hơn, làm cho quân VN sa lầy, hao quân (chết hơn 50 ngàn, bị thương hơn 20 vạn/ 10 năm), cuối cùng phải rút hết. - hiện đại hoá 3 quân (đặc biệt là tên lửa tầm trung và tầm xa, tàu ngầm nguyên tử, máy tính hoá quân đội). Chính việc kỷ luật, cảnh cáo tướng Hứa Thế Hữu chỉ huy cánh trái tập đoàn quân nhập Việt vì để thương vong quá cao, và vị tướng này kiểm điểm nêu hết nhược điểm lạc hậu, cổ lỗ, vũ khí quá cũ (không dám dùng không quân, tên lửa lạc hậu 2 thế hệ, lệnh xung phong cho bộ binh bằng kèn (!), 500 lính chết oan vì lựu đạn điếc, nổ sớm, súng cối vỡ nòng, đi lạc trong rừng, tự sát... Giữa năm 1979 Đặng phác hoạ chương trình hiện đại hoá quân đội gấp, tăng gấp 3 ngân sách quốc phòng, luôn lấy thất bại ở VN làm nỗi nhục dân tộc nước lớn... Chương trình táo tợn ấy nêu rõ cả đóng Hàng không mẫu hạm, một số tàu ngầm nguyên tử, một loạt tên lửa thế hệ mới, cơ giới hoá hàng quân đoàn hoàn chỉnh, bao gồm cả chinh phục vũ trụ với hàng loạt vệ tinh mới.

Theo di huấn của Đặng, Giang Trạch Dân, rồi đến Hồ Cẩm Đào hiện nay đều đặt ưu tiên cho hiện đại hoá quốc phòng, được phát động mạnh mẽ sau nỗi "nhục" 2 tuần lễ 1 tập đoàn quân chính quy bị giáng trả bởi những lực lượng địa phương trên đất Việt, đúng 30 năm trước.
Nguồn: Thông Luận

0 Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Post a Comment